Thuế phí cao khiến giá ôtô Việt Nam đắt hơn các nước có công nghiệp ôtô phát triển

Kinh doanh
01:46 PM 10/03/2023

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đánh giá tác động của việc không áp dụng quy định về mức độ rời rạc đối với linh kiện ôtô nhập khẩu.

Tính đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô với sản lượng sản xuất lắp ráp đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Tổng công suất lắp ráp của các nhà máy tại Việt Nam khoảng 755.000 xe/năm.

Thuế phí cao khiến giá ôtô Việt Nam gấp đôi Thái Lan, cao hơn Mỹ, Nhật - Ảnh 1.

Giá xe ô tô ở Việt Nam có mức cao so với nhiều nước do thuế, phí cao và sản lượng sản xuất thấp

Nhiều hãng xe lớn trên thế giới cũng có hoạt động sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, trong đó một số đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Các dòng xe tải, xe bus đã xuất khẩu sang Thái Lan, Philippines.

Với năng lực sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay đạt 323.892 chiếc, Bộ này đánh giá, đã gấp hơn 1,4 lần mục tiêu đưa ra tại Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến 2025, tầm nhìn tới 2035 (là 227.500 chiếc).

Lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đáp ứng 65-70% nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, Bộ Công Thương chỉ ra, quy mô thị trường ôtô ở Việt Nam còn nhỏ để sản xuất quy mô lớn, tỷ lệ nội địa hoá thấp và giá xe cao.

Hiện, giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với Thái Lan, Indonesia và cao hơn các nước có công nghiệp ôtô đã phát triển ổn định như Mỹ, Nhật Bản.

Theo Bộ Công thương, nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe tại Việt Nam ở mức cao là do thuế và phí cao. Theo quy định, mỗi chiếc ôtô muốn lăn bánh sẽ phải chịu các loại thuế, gồm thuế nhập khẩu (trừ xe sản xuất, lắp ráp trong nước), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, ôtô còn chịu các loại phí, như phí trước bạ, phí kiểm định, phí bảo trì đường bộ, phí cấp biển ôtô, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc.

Lý do nữa được Bộ Công Thương nêu, là sản lượng tích luỹ trong nước thấp, tức các doanh nghiệp đang sản xuất dưới rất xa công suất thiết kế. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước chưa bằng xe nhập, cũng như chưa hình thành hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Bộ Công Thương cũng chỉ ra sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu. Đặc biệt, sự cạnh tranh từ ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đến chủ yếu từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia (chỉ tính riêng lượng ô tô nhập khẩu từ 2 quốc gia này đã chiếm khoảng trên dưới 50% tổng lượng ô tô nhập khẩu tại Việt Nam) và trong vòng 7-10 năm tới là các sản phẩm ô tô từ các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Thái Lan đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới, từ đó cơ hội thu hút các hãng ô tô đầu tư sản xuất lớn ở Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh sức ép từ các quốc gia đi trước, Việt Nam sẽ còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực (Myanmar, Lào, Campuchia) trong việc thu hút các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô.

Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng cần có thêm ưu đãi, hỗ trợ cho những doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô có tiềm năng, có sản lượng đủ lớn, đầu tư bài bản và dài hạn để hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài tại Việt Nam nhằm tạo dựng thị trường cho công nghiệp và góp phần hạ giá bán xe...

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.