Thượng Hải bị phong tỏa theo chiến lược “không khoan nhượng” để đối phó với Covid-19, chuỗi cung ứng sẽ ra sao?

Thế giới 24H
01:41 PM 30/03/2022

Các nhà xuất khẩu của Trung Quốc đang phải đối mặt với sự chậm trễ do sự gián đoạn hoạt động kho hàng, vận chuyển và nhân sự.

Khó chồng khó

Việc đóng cửa ở Thượng Hải đánh dấu khả năng đình trệ cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gián đoạn mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch và chiến sự ở Ukraine.

Các nhà chức trách đã áp đặt một lệnh phong tỏa bao gồm 2 giai đoạn đối với thành phố đông dân nhất của Trung Quốc vào thứ Hai. Đây là phản ứng mới nhất theo chiến lược không khoan nhượng đối với Covid-19 khi đất nước này đang phải đối mặt với hoàn cảnh vô cùng khó khăn bởi biến thể Omicron rất dễ lây lan.

Kể cả khi các quy định và hạn chế được thắt chặt, Trung Quốc đang ngày càng làm tốt hơn trong việc giữ cho các cảng mở cửa và các nhà máy hoạt động liên tục để đáp ứng với việc gia tăng lượng công việc. Mặc dù vậy, các nhà kinh tế và giám đốc điều hành các công ty cho rằng những đợt bùng phát lặp đi lặp lại và việc phải đau đầu lên kế hoạch, áp dụng và điều hướng các biện pháp y tế công cộng đang thay đổi vẫn đang đè nặng lên ngành công nghiệp. Điều này làm tăng áp lực lạm phát đối với nền kinh tế thế giới vốn đã phải vật lộn với giá cả leo thang.

Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Hui Shan tại ngân hàng Goldman Sachs ở Hồng Kông cho biết:"Trung Quốc đang ngày càng làm tốt hơn trong việc kiềm chế những sự xáo trộn, nhưng những sự xáo trộn lại ngày càng lớn hơn."

Thượng Hải bị phong tỏa theo chiến lược “không khoan nhượng” để đối phó với Covid-19, chuỗi cung ứng sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Thượng Hải đã ra lệnh cho những người dân sống ở phía đông của thành phố, bao gồm cả khu Phố Đông, phải ở nhà vào thứ Hai

Đầu tháng này, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao đã khiến chính quyền Trung Quốc buộc phải phong tỏa và đóng cửa nhà máy ở nhiều nơi trong nước. Trong đó bao gồm cả các trung tâm sản xuất như Thâm Quyến và thành phố Trường Xuân ở tỉnh Cát Lâm, miền Bắc nước này.

Thượng Hải đã yêu cầu người dân ở phía đông thành phố ở nhà từ thứ Hai và đóng cửa các phương tiện giao thông công cộng trong 4 ngày trong khi các quan chức y tế công cộng tiến hành xét nghiệm nhanh. Tiếp đến, việc phong tỏa và xét nghiệm sẽ được áp dụng ở nửa phía tây của thành phố 25 triệu dân vào ngày 1/4.

Hiện tại, theo nhà điều hành Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải, cảng của thành phố vẫn mở cửa 24 giờ/ngày như thường lệ. Những người lao động chủ yếu và những người cung cấp dịch vụ như nhân viên y tế, cảnh sát và nhân viên giao đồ ăn sẽ vẫn được phép di chuyển nếu họ xuất trình giấy thông hành.

Chính quyền thành phố cho biết các công ty và nhà máy sẽ được phép duy trì hoạt động theo "quy trình sản xuất khép kín". Tức là một hệ thống mà các nhân viên làm việc, sinh sống và ở trong khuôn viên nhà máy.

Nhưng ngay cả với những biện pháp như vậy, việc giữ cho dòng hàng hóa di chuyển từ nhà máy đến cảng và đến khách hàng ở nước ngoài vẫn rất khó khăn.  Khi đó, lệnh phong tỏa chặt chẽ sẽ gây khó khăn cho các tài xế xe tải, nhà kho và các mắt xích quan trọng khác trong chuỗi cung ứng.

Phó tổng giám đốc Shanghai Gangxian International Freight Forwarding Co., Ltd., Zou Xiaodong cho biết hôm thứ Hai: "Các kho hàng đã ngừng hoạt động và việc vận chuyển đến và đi từ cảng bị gián đoạn."

Đại diện của một số công ty logistic (hậu cần) cho biết các tài xế xe tải phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 48 giờ nếu họ muốn vào thành phố. Một số tài xế tránh hoàn toàn việc vận chuyển hàng hóa qua Thượng Hải vì sợ bị cách ly.

Ông Zou nói: "Nhiều tài xế lo lắng rằng họ có thể vận chuyển hàng hóa đến cảng, nhưng không thể quay trở lại từ cảng vì các hạn chế nghiêm ngặt."

Thượng Hải bị phong tỏa theo chiến lược “không khoan nhượng” để đối phó với Covid-19, chuỗi cung ứng sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Các nhân viên y tế đang tiến hành xét nghiệm cho hàng loạt cư dân tại một điểm xét nghiệm ở Thượng Hải vào thứ Hai

Sản xuất được nhưng làm sao giao cho khách hàng?

Siew Loong Wong, lãnh đạo phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Kuehne Nagel International AG - doanh nghiệp điều hành logistic toàn cầu có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết đã chuyển hướng một số tàu đi từ Thượng Hải đến cảng ở thành phố Ninh Ba cách đó khoảng 161 km và vận chuyển bằng đường hàng không đến thành phố Trịnh Châu cách đó khoảng 805 km.

Điều này nhằm giảm thiểu sự chậm trễ. Ông dự đoán sẽ có từ 4 đến 8 ngày đầy thử thách khi lệnh phong tỏa hai giai đoạn diễn ra nhưng ông khá tin tưởng rằng sự gián đoạn sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

Ở Thượng Hải, các giám đốc điều hành và giám đốc logistic của công ty cho biết vấn đề đau đầu nhất của họ bây giờ không phải là duy trì sản xuất mà là đưa sản phẩm của họ đến cảng và đến tay khách hàng.

Quản lý của Công ty TNHH Quang điện Hongxin Thâm Quyến, công ty sản xuất đèn LED tại thành phố, cho biết: "Mặc dù hoạt động sản xuất của chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng việc đóng cửa có ảnh hưởng lớn đến logistic." Công ty cũng đã thuyết phục công nhân ở lại qua đêm trong thời gian đóng cửa, nhưng khách hàng ở nước ngoài của họ phải đối mặt với sự chậm trễ ít nhất 10 ngày vì không thể vận chuyển hàng hóa đến các tàu đang chờ.

Akhil Nair, Phó chủ tịch quản lý hãng vận tải toàn cầu và chiến lược đường biển tại SEKO Logistics, cho biết những hàng hóa di chuyển qua ranh giới các tỉnh phải đối mặt với sự chắp vá của các quy định y tế khác nhau. Những người lái xe tải đường dài thường cần đưa ra kết quả xét nghiệm của họ nhiều hơn một lần. Việc không có đúng mã số cho đúng tỉnh dẫn đến chậm trễ. Đôi khi họ cũng bị bắt dừng lại trên đường cao tốc. Thêm vào đó, khử trùng xe tải và hàng hóa trên xe có thể làm tăng thêm thời gian thực của chuyến hành trình.

"Có rất nhiều vấn đề khác nữa," ông nói. Trong tình hình đang có nguy cơ lạm phát, chi phí vận tải đường bộ ở Trung Quốc đang tăng từ 8% đến 10% do các tài xế phải đối mặt với giá dầu cao hơn sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina.

Trước khi có lệnh phong tỏa ở Thượng Hải, dữ liệu về số lượng container di chuyển qua các cảng của Trung Quốc cho thấy rằng hiện các ngành định hướng xuất khẩu đang phát triển tốt hơn các ngành tập trung vào thị trường nội địa nước này. Số lượng container thông qua 8 cảng chính cho thấy thương mại nội địa Trung Quốc vào giữa tháng 3 thấp hơn 24,4% so với một năm trước đó do các hạn chế của Covid-19 và thời tiết xấu. Ngoại thương chỉ giảm 1,2% so với cùng kỳ.

Các nhà phân tích cho biết nguyên nhân là do một số khu vực bị lây lan dịch bệnh và phải tuân thủ các hạn chế, chẳng hạn như Giang Tô và Cát Lâm vốn "cầm trịch" các ngành công nghiệp lớn như hóa chất, gỗ và sản xuất phương tiện giao thông lại hướng đến tiêu dùng trong nước hơn là xuất khẩu. Nhu cầu ở nước ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc cũng mạnh hơn so với nhu cầu trong nước, nơi nền kinh tế đang phát triển chậm lại.

Tuy nhiên, mối lo ngại là áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ không giảm bớt trong khi các đợt bùng phát dịch bệnh Omicron vẫn tiếp tục bùng phát. Craig Botham, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics ở London, nói rằng cho đến nay, sự gián đoạn đối với dòng chảy của hàng hóa là không lớn nhưng "gián đoạn làm dòng chảy này chậm lại khi đã có khá nhiều nút thắt đáng lo ngại."

Minh Phương
Ý kiến của bạn
Lần đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD Lần đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê tính đến ngày 15/12 đã đạt 5,2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD.