Thương hiệu quốc gia - 'Bệ phóng' tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp - Doanh nhân
09:29 AM 07/01/2021

Xây dựng Thương hiệu quốc gia (THQG) là một công cụ hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh của một quốc gia. Đây là điều kiện cần thiết để các ngành, các doanh nghiệp và sản phẩm phát triển bền vững và cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.

Những ngày cuối năm 2020, Brand Finance - hãng định giá thương hiệu của Anh đã công bố báo cáo Thương hiệu quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) và bất ngờ Việt Nam là nước có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19.

Brand Finance nhận định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% so với năm ngoái, lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Thương hiệu quốc gia - "Bệ phóng" tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 319 tỷ USD. Ảnh: Tài chính Doanh nghiệp.

Việc tăng hạng Thương hiệu quốc gia này đã giúp nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, kể từ khi Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 về Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay đã hơn 17 năm, các doanh nghiệp THQG đã khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc trong lĩnh vực hoạt động của mình, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu dù gặp không ít khó khăn, thách thức trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường trên toàn thế giới.

Theo số liệu báo cáo của 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG trong kỳ xét chọn lần thứ VII năm 2020, tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137 nghìn tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200 nghìn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471 nghìn lao động. 

Các hoạt động xã hội của các doanh nghiệp này đạt giá trị trên 9,5 nghìn tỷ đồng và nộp bảo hiểm xã hội trên 20 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid 19 bùng phát ở nước ta, đa số các doanh nghiệp THQG đều triển khai các hoạt động chung tay cùng cộng đồng với số tiền và hiện vật quyên góp lên tới trên 80 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020, đánh giá về National quality mark (Nhãn hiệu chất lượng quốc gia) năm 2020, ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á Thái Bình Dương chỉ ra, qua những nỗ lực của một chương trình nhãn hiệu quốc gia được gọi là “Giá trị Việt Nam”, ngành thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đóng góp lên tới 17 tỷ USD cho xuất khẩu của đất nước. Ngành công nghiệp may mặc đóng góp 22 tỷ USD cho xuất khẩu của Việt Nam...

Kết quả trên là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của Chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cũng như phát triển thị trường nội địa.

Thương hiệu quốc gia - "Bệ phóng" tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: VnExpress.

Theo ông Samir Dixit, những đóng góp kinh tế này quan trọng cho tăng trưởng chung của Việt Nam và sẽ không thể đạt được nếu không có nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam. Một nhãn hiệu chất lượng quốc gia được quản lý tốt là chìa khóa cho thương hiệu quốc gia thành công và làm đúng có thể mang lại lợi ích to lớn, đặc biệt là thúc đẩy một số hình thức lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm thông qua hình ảnh thương hiệu của đất nước. 

Ông Samir Dixit cho rằng, để tiếp tục đạt được những kết quả trên, các doanh nghiệp THQG Việt Nam cần khai thác tốt tiềm năng, tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, tăng cường chủ động hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số, cách mạng 4.0...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình từng nhận định, trong thời gian tới sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tham gia và đáp ứng các tiêu chí của Chương trình, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam như mục tiêu đã đề ra, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Nhung T.
Ý kiến của bạn
Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế

Không đơn thuần mang đến những màn trình diễn ánh sáng ấn tượng trên nền trời, các lễ hội pháo hoa quốc tế còn là “đòn bẩy” kinh tế đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.