Thương hiệu quốc gia: Cơ hội gia tăng giá trị sản phẩm và doanh nghiệp

Diễn đàn
02:43 PM 23/04/2021

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận được với khách hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt lại chưa thực sự quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gắn với Thương hiệu quốc gia.

Theo báo cáo của Brand Finance, Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới (tăng 29% so với năm 2019, lên 319 tỷ USD). Nhờ đó, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu, từ thứ hạng 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng (theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021).

Từ thực tế đó, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) vừa phối hợp cùng với MVV Group và các đối tác trong nước và quốc tế tổ chức Hội thảo Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2021 với chủ đề: “Tận dụng đòn bẩy Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Nâng tầm thương hiệu sản phẩm Việt”, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt gia tăng giá trị sản phẩm cũng như giá trị của mình.

Thương hiệu quốc gia - 'Đòn bẩy' đưa sản phẩm Việt vươn xa - Ảnh 1.

Thương hiệu quốc gia - 'Đòn bẩy' đưa thương hiệu sản phẩm Việt vươn xa. Ảnh: Công Thương

Các chuyên gia khẳng định, Thương hiệu quốc gia là đòn bẩy để doanh nghiệp xây dựng chương trình truyền thông quảng bá sản phẩm dựa trên uy tín của Thương hiệu quốc gia. Các doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội gặp gỡ với các chuyên gia hàng đầu về marketing, xây dựng và phát triển thương hiệu để giúp các doanh nghiệp tận dụng đòn bẩy thương hiệu quốc gia, từ đó xây dựng và đổi mới chương trình marketing và truyền thông thương hiệu doanh nghiệp một cách hiệu quả. Việc này sẽ góp phần hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp trong công tác phát triển thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu, cũng như tăng cường khả năng nhận biết hàng hóa, dịch vụ trên thị trường đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, các doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào việc được công nhận là doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia mà hãy nhìn vào những giá trị doanh nghiệp có thể tận dụng được từ đây.

"Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ cung cấp cho doanh nghiệp bộ công cụ bao gồm các phương thức thực hiện, chỉ số đo lường để doanh nghiệp Việt Nam biết cách vận hành và thay đổi, giúp doanh nghiệp soi chiếu xem mình đang ở đâu, cần phải làm gì, đánh giá hiệu quả các hoạt động đang triển khai và sức mạnh nội tại của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch MVV Group nói tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, các DN nên chủ động nắm bắt cơ hội và tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cải tiến chất lượng sản phẩm, quan tâm tới các vấn đề sở hữu trí tuệ, tận dụng đòn bẩy thương hiệu quốc gia Việt Nam để gây dựng thương hiệu, góp phần tạo hình ảnh Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao.

Các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng không kém trong việc xây dựng thương hiệu là cần gắn liền với việc đăng ký sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước. Vấn đề này rất cần sự chủ động của DN để phân bổ nguồn lực cho bảo vệ và phát triển thương hiệu. Hiện Cục Xúc tiến thương mại có mạng lưới tham tán thương mại, luật sư trong lĩnh vực này để hỗ trợ cho DN về quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ ở các thị trường xuất khẩu.

Năm 2021, Cục Xúc tiến thương mại sẽ ưu tiên các chương trình quảng bá thương hiệu Việt Nam tại nhóm các thị trường tăng trưởng nhanh nhờ các Hiệp định Thương mại tự do như Liên minh châu Âu (EU), Anh, khối CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, trong đó có Úc, Nhật Bản, Canada…). Đồng thời, hỗ trợ cho các DN đạt thương hiệu quốc gia giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện ở nước ngoài, từ hội nghị, hội thảo, triển lãm đến tiệc ngoại giao văn hóa.

Thương hiệu quốc gia - 'Đòn bẩy' đưa sản phẩm Việt vươn xa - Ảnh 2.

Thương hiệu quốc gia giúp tăng chỉ số quyền lực mềm của Việt Nam. Ảnh: VOV

Ông Thue Quist Thomasen, thành viên Ban Điều hành Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khuyến nghị, các DN Việt Nam khi xây dựng thương hiệu cần hết sức kiên trì để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. 

"Việt Nam nên chú ý đến nhóm sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, bản chất là sản phẩm độc đáo của địa phương mà Việt Nam rất có lợi thế để xây dựng thương hiệu", đại diện EuroCham tư vấn.

Để tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt phát triển sức mạnh nội tại, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, có các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam tham gia tích cực hơn nữa trong xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam; từ đó góp phần tăng cường hơn nữa những lợi ích mà vị thế mới, giá trị mới mà Thương hiệu quốc gia mang lại.

Nhung T. (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn