Thương hiệu trong kinh doanh xăng dầu có bị nhái để lừa người tiêu dùng ?
Hành vi vi phạm về nhãn hiệu, thương hiệu không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp kinh doanh chân chính mà còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người tiêu dùng. Người tiêu dùng đặt niềm tin về chất lượng, số lượng vào những đơn vị kinh doanh xăng dầu có thương hiệu nên rất dễ bị “nhái” thương hiệu, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Đoàn Kết tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An của Doanh nghiệp tư nhân Hòe Thanh đã sử dụng logo logo và thiết kế cửa hàng nhìn qua giống như thuộc hệ thống của Petrolime
Thời gian qua, việc kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, nhái nhãn hiệu trong lĩnh vực xăng dầu diễn ra khá nhiều mà một trong các điển hình là vụ Trịnh Sướng, sản xuất, mua bán xăng dầu giả ở Sóc Trăng, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Nông khởi tố.
Trên thị trường sản xuất, kinh doanh xăng dầu, bao gồm cả bán lẻ, Petrolimex là một thương hiệu lớn và có thị phần lớn nhất. Kết quả đó dựa trên uy tín chất lượng của hơn 50 năm xây dựng phát triển của Tập đoàn kinh tế nhà nước này. Vì vậy, việc nhái nhãn hiệu, bộ nhận diện của Petrolimex diễn ra khá nhiều.
Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Đoàn Kết tại xã Nghĩa Xuân (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) và Cửa hàng xăng dầu tại xã Nghĩa Tiến (TX Thái Hòa, Nghệ An) thuộc Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Hòe Thanh có địa chỉ trụ sở tại Khối Kim Tân, phường Hoà Hiếu (Thị xã Thái Hoà, Nghệ An) là một ví dụ. Nhãn hiệu và bộ nhận diện thương hiệu của Petrolimex đã quen mắt với người tiêu dùng nên chỉ nhìn qua cũng dễ lầm cửa hàng này trong hệ thống hàng nghìn cửa hàng của tập đoàn Petrolimex. Nhiều khách hàng đến đổ xăng tại các cửa hàng này cho rằng đây là các cửa hàng thuộc Petrolimex và họ đến đây vì tin tưởng về chất lượng, số lượng, thương hiệu Petrolimex.
Qua xác minh được biết những cửa hàng của Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Hòe Thanh là đại lý của thương nhân phân phối là Công ty TNHH Vận tải & TM Xăng dầu Thiên Phúc có đăng ký trụ sở số 09, Triệu Quốc Đạt, thành phố Thanh Hóa. Việc sử dụng logo như vậy đã có dấu hiệu xâm phạm các nhãn hiệu số 164855, 164856, 209818 đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho Petrolimex.
Công ty TNHH Vận tải & TM Xăng dầu Thiên Phúc có logo và thiết kế cửa hàng nhìn qua giống như thuộc hệ thống của Petrolimex. Đại lý của Thiên Phúc được sử dụng nhãn hiệu của Thiên Phúc (logo cũng như bài trí cửa hàng gần giống với nhãn hiệu và bộ nhận diện của Petrolimex), được hỗ trợ từng phần hoặc toàn phần biển hiệu, bảng hộp đèn. Trong hợp đồng với đại lý của Thiên Phúc có điều khoản về chính sách thương hiệu cho thấy doanh nghiệp này rất chú trọng vấn đề xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, quyền xây dựng thương hiệu không thể làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.
Xét ở khía cạnh minh bạch xăng dầu, việc sử dụng nhãn hiệu, dấu hiệu nhận diện thương hiệu nói trên gây nhầm lẫn cho khách hàng, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan truyền thông, cộng đồng xã hội… về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ do Công ty TNHH Vận tải & TM Xăng dầu Thiên Phúc cung cấp; ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh thương hiệu, hoạt động kinh doanh của Petrolimex.
Cửa hàng xăng dầu của DNTN Hòe Thanh được Sở Công thương tỉnh Nghệ An cấp chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ lần đầu ngày 28/02/2019 và được cấp sửa đổi lần thứ nhất ngày 20/02/2020. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng đã từng bị xử phạt về 2 hành vi bán xăng không đạt chất lượng về chỉ số octan thấp hơn Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, bán xăng dầu cho đối tượng ngoài hệ thống phân phối.
Theo khẳng định của ông Võ Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Nghệ An, các cửa hàng này không phải đại lý cũng như nhận nhượng quyền thương mại của DN trực thuộc Petrolimex.
Ngoài Doanh nghiệp Hòe Thanh, cơ quan chức năng ở tỉnh Nghệ An cũng đã xử phạt nhiều doanh nghiệp khác như DN Khánh Loan, DN Toản Lợi tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn; DN Hiếu Thắng tại xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ với tổng sô tiền bị xử phạt lên đến hàng trăm triệu đồng.
Về vấn đề logo, sau khi phóng viên liên hệ và làm việc với các cục quản lý thị trường Nghệ An, Thanh Hóa và Công ty xăng dầu Nghệ An, Công ty xăng dầu Thanh Hóa phản ánh nội dung này, doanh nghiệp Hòe Thanh đã nhanh chóng thay đổi logo, tuy nhiên nhiều chỉ dấu khác vẫn còn tương tự với cửa hàng Petrolimex như màu sơn, phối màu,…
Các thủ đoạn gian lận của các cửa hàng chủ yếu về đo lường và chất lượng. Tuy nhiên, ở một số địa phương khác, cơ quan chức năng đã phát hiện hành vi mua bán dung môi công nghiệp của các cửa hàng bán lẻ, pha trộn với xăng nền, hóa chất tăng RON và hỗn hợp màu Azo tạo thành xăng A95, E5 RON 92 giả để bán ra thị trường.
Xử lý các hành vi vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Điều 13 Thông tư 11/2015/TT- BKHCN chủ thể quyền bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp còn có quyền khởi kiện đối với doanh nghiệp vi phạm. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, đối tượng vi phạm còn có thể bị khởi tố về tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp theo điều 226 Bộ luật Hình sự.
Các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực xăng dầu có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định tại Chương 3, Nghị định 99/2020/NĐ-CP. Các mức xử phạt hết sức nghiêm khắc, ví dụ như đối với vi phạm về biển hiệu : "1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không ghi tên hoặc ghi không đúng tên thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cung cấp xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu. 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với thương nhân phân phối xăng dầu có hành vi không quy định thống nhất việc ghi tên thương nhân phân phối xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình. 3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với thương nhân đầu mối có hành vi không quy định thống nhất việc ghi tên thương nhân đầu mối trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình."
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
Để có thể đẩy lùi các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên của Sở Khoa học Công nghệ, Sở Công thương cũng như Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại 389.
Thái Quảng và nhóm PVTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.