Thương hiệu Việt tìm hướng đi vững chắc trên thị trường
Với sức ép cạnh tranh về giá cũng như sự phủ sóng kênh online của hàng ngoại nhập, nhiều thương hiệu Việt dần đuối sức và buộc phải rời sàn thương mại điện tử.
Nhiều thương hiệu Việt đuối sức trên sàn TMĐT
Những tháng đầu năm 2025, hàng loạt thương hiệu Việt, nhất là ngành hàng thời trang, tiếp tục đóng gian hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) do không thể cạnh tranh với hàng nhập giá rẻ, chưa kể chính sách mới về phí sàn buộc người bán phải tăng giá bán sản phẩm để bù đắp.

Hàng nhập khẩu trên sàn TMĐT ngày càng tăng. Ảnh chụp màn hình
Theo báo cáo của nền tảng phân tích dữ liệu Metric, chỉ riêng quý I/2025, hàng nhập khẩu qua sàn TMĐT Shopee vào Việt Nam đạt doanh số 3.600 tỉ đồng với hơn 80 triệu sản phẩm bán ra, tăng hơn 12% doanh số và hơn 7% sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng nhập khẩu hút khách nhờ lợi thế giá rẻ, mẫu mã đa dạng và phù hợp thị hiếu.
Cũng theo nền tảng này, giá trị trung bình mỗi sản phẩm trên sàn TMĐT trong thời gian qua chỉ khoảng 45.200 đồng, cho thấy người tiêu dùng chuộng mua sắm số lượng lớn với chi phí thấp.
Xu hướng này đang gia tăng sức ép cạnh tranh cho nhà bán hàng trong nước, đặc biệt ở nhóm sản phẩm phổ thông, buộc nhà bán hàng trong nước phải nâng cao chất lượng sản phẩm và chiến lược giá phù hợp để giữ thị phần.
Gần đây, việc thương hiệu thời trang Edini (TPHCM) ngừng kinh doanh dòng sản phẩm casual (phổ thông) sau 12 năm có mặt trên thị trường là một trong những tín hiệu cho thấy sự khó khăn của thời trang Việt trong bối cảnh cạnh tranh giá rẻ ngày càng khốc liệt, đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử.
Cùng với thương hiệu này, các local brand (thương hiệu nội địa) khác như Lép, Mia Ritta... cũng đã tuyên bố ngừng kinh doanh hoàn toàn hoặc một phần do áp lực thị trường.

Việc thương hiệu Lép rời "cuộc chơi" khiến nhiều tín đồ thời trang tiếc nuối. Ảnh: Thanh Niên
Có thể thấy, trong khi miếng bánh thị trường thời trang Việt tăng không đáng kể thì sự bùng nổ mạnh mẽ của các thương hiệu thời trang quốc tế khiến thị phần của các thương hiệu thời trang nội ngày càng teo tóp. Bên cạnh đó, cạnh tranh từ dòng sản phẩm thời trang giá rẻ đang đổ bộ trên thương mại điện tử và các nền tảng online cũng đe dọa sự tồn tại của các thương hiệu thời trang Việt.
Để thương hiệu Việt không thất thế trên "sân nhà"
Nhiều doanh nghiệp Việt tìm hướng đi mới để tồn tại thay vì lao vào cuộc chiến giá. Thay vì lao vào cuộc đua hàng giá rẻ, liên tục chạy theo xu hướng, nhiều thương hiệu Việt đang dần thay đổi, tập trung vào chất lượng và tính khác biệt. Theo nhận xét của nền tảng Metric, người tiêu dùng Việt ngày càng ưu tiên các cửa hàng chính hãng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và độ tin cậy của dịch vụ.
Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và nông dân địa phương quảng bá các sản phẩm đặc trưng, nhiều sàn TMĐT lớn tại Việt Nam đang đẩy mạnh các chương trình livestream cho các sản phẩm Việt.
Mới đây, sàn Shopee công bố dự án "Tinh hoa Việt" gồm những trải nghiệm mua sắm kết hợp giải trí mới mẻ hơn với nhiều thương hiệu "made in Vietnam" chất lượng, đa dạng ngành hàng. Trong đó, một số phiên livestream dành riêng để tôn vinh bản sắc văn hóa của nhiều địa phương và khai thác các chủ đề độc đáo.

Dự án "Tinh hoa Việt" của Shopee giúp tôn vinh các sản phẩm thương hiệu Việt.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Shopee Việt Nam, cho biết dự án nhằm giúp cộng đồng người bán hàng kết nối các giá trị và đặc trưng địa phương với tệp người dùng rộng hơn qua kênh TMĐT, cùng doanh nghiệp và người dùng tôn vinh sản phẩm Việt, "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt".
Trong khi đó, sàn TikTok Shop tổ chức chương trình GreenUP là các tour tham quan nhà máy của những doanh nghiệp Việt có quy trình sản xuất bền vững, với một số nhãn hàng được lựa chọn hỗ trợ như APG ECO (lúa gạo), Phong Phú (khăn bông), TH True Milk (sữa)..., nhằm hỗ trợ quảng bá thương hiệu và sản phẩm xanh.
Cụ thể, sàn kết nối các nhà sáng tạo nội dung, nhà bán hàng thực hiện các phiên livestream ngay tại nhà máy của các doanh nghiệp nhằm cho thấy tiềm năng phát triển rộng mở mà TMĐT mang lại cho các thương hiệu Việt phát triển theo định hướng bền vững và sự đón nhận của cộng đồng với xu hướng tiêu dùng xanh.
Cũng nhằm mục đích hỗ trợ người bán hàng tại Việt Nam, sàn Lazada cung cấp công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo với những tính năng GenAI (AI tạo sinh) mới giúp người bán hàng cải thiện cách hiển thị sản phẩm trên sàn, tinh giản vận hành cũng như thúc đẩy tỉ lệ chuyển đổi khách hàng.
Phó Giáo sư Rajkishore Nayak, chuyên gia về truyền thông và thiết kế, cho rằng các nhà bán lẻ Việt nên triển khai mạnh mẽ hơn nữa với chiến lược bán lẻ đa kênh tích hợp các kênh truyền thống và kỹ thuật số để mang lại trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng.
Theo đó, họ nên nghiên cứu trải nghiệm khách hàng trên tất cả các kênh và điểm chạm, đồng thời xây dựng chiến lược marketing mang lại trải nghiệm khác biệt cho khách hàng. Các nhà bán lẻ thời trang cần thể hiện tính linh hoạt và nắm bắt các công nghệ mới nổi để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng.
Đơn cử xu hướng mua sắm thời trang mới nhất gần đây là là showrooming (tìm kiếm tại cửa hàng thực tế rồi mua trực tuyến) và webrooming (tìm kiếm trực tuyến rồi mua tại cửa hàng thực tế). Vì thế, các DN của khối nội trong ngành bán lẻ thời trang cần kết hợp liền mạch giữa cửa hàng bán lẻ thực tế, TMĐT và hành trình của khách hàng trên thiết bị di động. Sự pha trộn giữa thực tế và kỹ thuật số sẽ tạo ra trải nghiệm khách hàng toàn diện và chân thực hơn.
Đối với các nhà bán lẻ thời trang nội địa, theo ông Nayak, một trọng tâm chính khác là tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường và tránh thừa hàng tồn kho. Họ nên đặt mua sản phẩm ở thời điểm gần đến mùa tiêu thụ. Hoạt động thu mua nên được thực hiện với số lượng tương đối và đặc biệt là nên lấy nguồn hàng từ các nhà cung cấp ở gần.
Minh An (t/h)
Các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) sụt giảm mạnh trong tháng 4, với số lượng giao dịch được ký kết thậm chí còn ít hơn so với những ngày ảm đạm nhất của đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.