Thương mại 2 chiều Việt Nam - Đài Loan lập kỷ lục mới trong năm 2022

Xuất nhập khẩu
10:25 AM 17/01/2023

Số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại 2 chiều Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) trong năm 2022 vẫn tăng trưởng khá bất chấp tác động của dịch bệnh với gần 28 tỷ USD, nhập siêu cũng tăng lên 17,62 tỷ USD.

Riêng tháng 12/2022, xuất nhập khẩu 2 chiều đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan đạt 400 triệu USD, trong khi nhập khẩu từ Đài Loan đạt 1,62 tỷ USD.

Tính chung năm 2022, tổng thương mại 2 chiều đạt 27,82 tỷ USD, tăng 2,42 tỷ USD so với năm 2021, trong đó, Việt Nam xuất khẩu khoảng 5,1 tỷ USD, tăng 11% và nhập khẩu 22,72 tỷ USD, tăng 9,4%. Cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam nhập siêu lớn, với mức nhập siêu lên tới 17,62 tỷ USD.

Thương mại 2 chiều Việt Nam - Đài Loan lập kỷ lục mới trong năm 2022 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Earth Trekkers.)

Các nhóm hàng xuất khẩu chính của nước ta sang thị trường này bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Sắt thép các loại; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; Điện thoại các loại và linh kiện; Hàng dệt, may; Xơ, sợi dệt các loại; Giày dép các loại; Hàng rau quả...

Các nhóm hàng nhập khẩu chính bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Vải các loại; Chất dẻo nguyên liệu; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; Hóa chất; Sắt thép các loại ; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; Sản phẩm hóa chất; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; Điện thoại các loại và linh kiện.

Như vậy sau lần đầu tiên vượt mốc 20 tỷ USD trong năm 2021 đạt 20,99 tỷ USD, thương mại hai chiều Việt Nam - Đài Loan trong năm 2022 tiếp tục xác lập mốc cao kỷ lục mới.

Theo Cơ quan quản lý Ngoại thương mại Đài Loan, Việt Nam giữ vững vị trí đối tác ngoại thương lớn thứ 10 của Đài Loan trong năm 2022.

Đài Loan là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng với thị hiếu đa dạng, đồng thời đóng vai trò trung gian cho nhiều chủng loại sản phẩm của Việt Nam xuất sang các thị trường Âu, Mỹ và Đông Á. Những năm gần đây, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu sang thị trường này của Việt Nam có những chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng xuất khẩu cho các nhóm mặt hàng khoáng sản thô, nguyên liệu, nhiên liệu và tăng dần với các mặt hàng nông lâm thuỷ sản và hàng công nghiệp chế biến trở thành nhóm sản phẩm chủ lực.

Hiện tại, thị trường Đài Loan còn nhiều tiềm năng nhập khẩu cho các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam do nhu cầu nhập khẩu về thực phẩm, hàng hoá phục vụ tiêu thụ trong thị trường nội địa cũng như lượng khách du lịch rất đông đảo. Đài Loan là một trong những thị trường trọng điểm đối với ngành xuất khẩu cao su Việt Nam.

Một mặt hàng khác của Việt Nam có khả năng phát triển hơn nữa vào thị trường Đài Loan là thuỷ sản. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, Đài Loan là thị trường nhỏ nhưng là thị trường tiềm năng cho sản phẩm thuỷ hải sản Việt Nam. 

Thương Huyền (T/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.