Thương mại điện tử đưa nông sản xứ Thanh vươn xa
Thương mại điện tử hiện đã và đang là xu hướng tiêu dùng hiện đại. Không chỉ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đa dạng kênh tiêu thụ, mà còn tạo ra các cơ hội đưa thương hiệu sản phẩm vươn xa, từ đó mở rộng thị phần thông qua không gian tiêu thụ không biên giới.
Hợp tác xã nông nghiệp xanh Haca (thị xã Nghi Sơn) là một trong những đơn vị rất thành công trong việc tận dụng và phát triển hình thức phân phối online. Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Trịnh Đức Trọng, có sản phẩm ưu thế rồi, việc lựa chọn và đầu tư các hình thức tiêu thụ cũng có vai trò không nhỏ.
Do đó, rất nhiều sản phẩm của hợp tác xã được chế biến từ đông trùng hạ thảo, đặc biệt là 3 sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao là đông trùng hạ thảo khô, đông trùng hạ thảo nguyên con, viên nang đông trùng hạ thảo được đơn vị chú trọng quảng bá và chăm sóc, tiêu thụ trên nhiều nền tảng online như: facebook, zalo và một số sàn thương mại điện tử. Nhờ tính lan tỏa tốt của kênh phân phối này, hợp tác xã đạt doanh số tiêu thụ qua thương mại điện tử lên tới 60%, tổng doanh thu khoảng 6 tỷ đồng/năm.
Các sản phẩm OCOP tinh dầu quế Thường Xuân và Quế Thanh có sự phát triển vượt trội. Ông Nguyễn Văn Minh, chủ cơ sở sản xuất tinh dầu quế tại thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân), cho biết: Từ năm 2016, khi Cục Sở hữu trí tuệ có Quyết định số 4090/QĐ-SHTT về công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cây Quế Ngọc, người dân địa phương được tập huấn, tìm hiểu kỹ thuật sản xuất theo quy trình chặt chẽ và bảo đảm chất lượng khi truy xuất nguồn gốc. Theo đại diện doanh nghiệp, bên cạnh yếu tố cốt lõi là công dụng, chất lượng sản phẩm thì việc kinh doanh qua những trang bán hàng thương mại điện tử cũng góp phần quan trọng đưa sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận thị trường nhanh hơn. Thông qua các kênh phân phối online, sản phẩm vừa lan tỏa nhanh đến người tiêu dùng, vừa tiết kiệm chi phí. Không những vậy đây còn là kênh tiếp nhận phản hồi, định vị người tiêu dùng hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Yến sào xứ Thanh chia sẻ: "Ban đầu chúng tôi chỉ sản xuất tổ yến thô nên giá thành mang lại không cao. Đến năm 2015, công ty bắt đầu đầu tư máy móc chế biến các sản phẩm từ yến phù hợp với người tiêu dùng. Không chỉ có vậy, chúng tôi còn từng bước nâng cao giá trị sản phẩm bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, phía công ty cũng thường xuyên quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh truyền thông như facebook, zalo và một số sàn thương mại điện tử, để mọi người biết đến sản phẩm yến sào xứ Thanh. Đến nay, sản phẩm yến sào đã có mặt tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan".
Chị Lê Thị Trâm, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hoằng Đồng, cho biết: "Nếu như trước đây, sản phẩm giò bò Thuật Yến chỉ được tiêu thụ tại chợ truyền thống và kênh thương mại trong nội vùng huyện và tỉnh thì nay khách hàng ở khắp mọi nơi đều có thể cập nhật được thông tin và chất lượng sản phẩm thông qua những thao tác đơn giản, khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm, đặt mua trên sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng mở rộng quảng bá sản phẩm thông qua nhiều kênh online, như: zalo, facebook, các trang thương mại điện tử khác nên 3 - 5% sản lượng sản phẩm của HTX được tiêu thụ thông qua kênh phân phối hiện đại này. Đây không những là kênh bán hàng hiệu quả, mà chúng tôi còn có thể cập nhật được thông tin, phản hồi của khách hàng, từ đó rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế để nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường".
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã có sự tham gia, hưởng ứng của hơn 340 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, với khoảng 500 sản phẩm thực hiện quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, từ các sản phẩm nông sản sơ chế, chế biến, như chè, cà phê đến các loại hoa quả sấy khô, sản phẩm quả tươi như, dưa, xoài, nhãn, chanh leo, mật ong... Đặc biệt, đã có hơn 50 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông sản được đăng tải lên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, rất nhiều sản phẩm còn được tiêu thụ trên các kênh mạng xã hội như fanpage, facebook, zalo... Sản lượng tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử trung bình chiếm 25 - 30% sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Theo thông tin từ Sở Công Thương, để hỗ trợ, kết nối các cơ sở sản xuất đa dạng kênh tiêu thụ và tiếp cận nhanh, hiệu quả với các ứng dụng thương mại điện tử, căn cứ nhiệm vụ và mục tiêu về chiến lược phát triển kinh tế số theo Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 2/10/2020 của UBND tỉnh về việc phát triển thương mại điện tử tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương đã kết nối với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bán hàng thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong nước, quốc tế. Nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối cung - cầu sản phẩm với thị trường trong nước và quốc tế; tập huấn, bồi dưỡng, trang bị kiến thức về thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng đã được triển khai.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện đã có gần 5.600 tài khoản hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, 188 website bán hàng được duyệt điện tử, trên 10.000 hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng. Nhiều sản phẩm hàng hóa trong tỉnh đã thành công khi tiêu thụ trên các kênh thương mại nổi tiếng như alibaba, lazada, voso.vn, postmart...
Thanh Hóa hiện là tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP đứng thứ 2 cả nước với 436 sản phẩm được chứng nhận. Với sự hỗ trợ của chính quyền và các đơn vị, sở, ngành, các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Theo nhiều doanh nghiệp nhận định, cùng với việc không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng, quản lý và giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu chế biến thì việc ứng dụng thương mại điện tử sẽ là "mảnh đất" rất tiềm năng cho chiến lược lan tỏa thương hiệu, từ đó thúc đẩy gia tăng doanh số hiệu quả.
Thông qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử cũng giúp doanh nghiệp, hợp tác xã theo dõi lưu lượng truy cập, dễ dàng tiếp thị, quảng bá, thay đổi chiến lược về giá, các chương trình khuyến mãi. Trong bối cảnh thương mại điện tử của Việt Nam còn khá non trẻ và nhiều dư địa, đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận khách hàng, xây dựng thương hiệu.
Vũ QuỳnhBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.