Thương mại điện tử được dự báo tiếp tục phát triển trong năm 2021
Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, điều này đã thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp và người dùng chuyển sang nền tảng giao dịch trực tuyến. Xu hướng này cũng được dự báo tiếp tục phát triển trong năm nay.
Thanh toán không dùng tiền mặt
Làn sóng đại dịch đã khiến nền kinh tế thế giới bị ngưng trệ, thương mại nội địa bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí đóng cửa, giải thể… thì lĩnh vực thương mại điện tử ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Covid-19 trở thành chất xúc tác, thay đổi xu hướng tiêu dùng, mọi người chuyển từ mua sắm trực tiếp sáng mua sắm trực tuyến. Nhờ đó, ngay cả trong cao điểm của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn giữ nguyên được đội ngũ nhân sự và lượng giao dịch, sau đó sớm tuyển dụng thêm nhân sự, phục vụ tăng tốc kinh doanh.
Thanh toán không dùng tiền mặt trở lên thuận tiện, dễ dàng. Ảnh minh họa
Đại diện AirPay cho biết, số lượng cửa hàng là đối tác tại Việt Nam của ví này đã tăng gấp 2 lần trong năm 2020, bao gồm những đối tác như 7-Eleven, MyKingdom và Guirdian.
Thanh toán kỹ thuật số là phương thức giao dịch đang được ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử. Như Shopee, tổng số đơn đặt hàng được thanh toán qua ví điện tử Airpay trên toàn khu vực đã tăng trưởng gấp 4 lần. Đặc biệt, nhóm tăng trưởng mạnh nhất ở hầu hết thị trường là người dùng trên 50 tuổi.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận với thương mại điện tử sẽ thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm tại các cửa hàng. Các điểm kinh doanh offline cũng nhận thức được xu hướng này và ngày càng thân thiện hơn với các giải pháp thanh toán kỹ thuật số.
Ngoài ra, ngoài ra các hình thức thanh toán trực tiếp thông qua thẻ ngân hàng, tài khoản thanh toán trực tuyến dạng như Paypal, Payoneer… cũng phổ biến rộng rãi hơn, bên cạnh đó các hình thức thanh toán trung gian thường gặp như Momo, ZaloPay… giúp cho người dùng thuận tiện hơn trong việc mua và bán, đồng thời tăng sức mua hàng và đơn hàng cho các shop bán hàng.
Cuộc đua của các công ty công nghệ
Việt Nam hiện là nước có nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và thị trường thương mại điện tử là biểu tượng của sự phát triển dựa trên nền tảng công nghệ đó. Thương mại điện tử Việt Nam đã trở nên đông đúc hơn so với hai năm trước đây. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhà bán lẻ cũng đã tham gia vào thị trường này.
Theo đánh giá, hai đối thủ nặng ký trong thương mại điện tử tại châu Á là Alibaba và Shopee, dự kiến sẽ nổi lên như những người dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh.
Shopee thuộc sở hữu của Tập đoàn SEA (Singapore) và đã mở rộng nhanh chóng tại Việt Nam trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát bằng cách cung cấp các dịch vụ giao hàng miễn phí và chi phí vận chuyển thấp. Thị trường này đã thu hút hơn 62 triệu lượt truy cấp hàng tháng tại Việt Nam tính trong quý 3 năm 2020, tăng hơn 80% so với một năm trước đó.
Thương mại điện tử đang bùng nổ rất mạnh. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, Lazada được hậu thuẫn từ tập đoàn Alibaba, Lazada đã hợp tác với Grab - một nhà cung cấp dịch vụ, trong đó có dịch vụ gọi xe hàng đầu Đông Nam Á. Lazada đã khai thác các dịch vụ của Grab hỗ trợ cho mạng lưới khách hàng và tài xế, hướng người dùng đến các dịch vụ giao đồ ăn cuuar Grab. Ngoài ra, Lazada còn sử dụng dịch vụ chuyển phát bưu kiện của Grab để vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng, nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ của mình.
Theo dự báo của các chuyên gia, thương mại điện tử sẽ chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt nam trong vòng 5 năm tới, với hai trung tâm kinh tế lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí minh dự kiến sẽ chiếm 50% chi tiêu trực tuyến của cả nước.
Cơ hội đi kèm thách thức
Theo ông Nguyễn Trần Hưng - Trưởng khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử (Đại học Thương mại), mặc dù hiện nay TMĐT tại Việt Nam có sự phát triển khá nhanh và ấn tượng, đồng thời được dự đoán sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, song thị trường TMĐT Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Niềm tin của người tiêu dùng với các giao dịch trực tuyến chưa cao, mà biểu hiện rõ nhất là hầu hết giao dịch thương mại điện tưqr tại Việt Nam hiện nay chủ yếu sử dụng hình thức COD (thanh toán khi nhận hàng), chiếm khoảng 86%, trong khi khi đó việc sử dụng thẻ ATM nội địa, sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ để thực hiện thanh toán năm 2019 chỉ chiếm lần lượt là 39% và 17%.
Ngoài ra, vẫn còn khó khăn nhất định trong việc triển khai các giải pháp thu thuế thương mại điện tử, dẫn đến đóng góp của thương mại điện tử cho ngân sách nhà nước vẫn còn hạn chế. Đó là thách thức với cơ quan quản lý nhà nước nhưng cũng là yêu cầu đặt ra đối với thương mại điện tử Việt Nam trong bối cảnh phát triển nhanh chóng vài năm gần đây.
Với việc giao dịch thương mại điện tử, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã và đang lợi dụng đặc thù của hình thức mua bán này là người tiêu dùng không được trực tiếp trải nghiệm, đánh giá sản phẩm trước khi thanh toán, nhận hàng, đã trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, thậm chí là hàng cấm… gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trước thực tế trên, để khắc phục những hạn chế và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới, Chính phủ và doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cho thương mại điện tử phát triển, hoàn thiện mô hình thanh toán thương mại điện tử, xây dựng hệ thống giám sát và quản lý hoạt động trên môi trường trực tuyến nhằm tận dụng tối đa những lợi ích mà thương mại điện tử đem lại trong việc quảng bá sản phẩm, định vụ thương hiệu, kết nối khách hàng và tìm kiếm thị trường để mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có một chiến lược được hoạch định rõ ràng trong việc chống lại vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trên môi trường mạng, đảm bảo an ninh an toàn mạng. Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền thực thi quyền sở hữu trí tuệ tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân, phổ biến các cam kết và công ước quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do… Đặc biệt, cần có các chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, an ninh an toàn trên môi trường mạng, có như vậy mới có thể thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững.
Minh ĐăngTheo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê tính đến ngày 15/12 đã đạt 5,2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD.