Thương mại điện tử Việt Nam dự báo đạt quy mô 39 tỷ USD vào năm 2025

Kinh doanh
08:46 AM 24/10/2024

Theo báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam được dự đoán sẽ chạm ngưỡng 39 tỷ USD vào năm 2025, khẳng định vị thế vững chắc của Việt Nam trên bản đồ TMĐT khu vực.

Con số này là minh chứng cho sự tăng trưởng ấn tượng và hứa hẹn nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhanh nhạy trong việc tận dụng công nghệ để phát triển và cạnh tranh trong tương lai gần.

Hiện nay, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bùng nổ với những tiềm năng phát triển vượt trội, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm 2024. Với những cơ hội và đổi mới liên tục, thương mại điện tử đang nhanh chóng trở thành kênh mua sắm chính yếu, không chỉ thúc đẩy doanh số mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho doanh nghiệp Việt.

Thương mại điện tử Việt Nam dự báo đạt quy mô 39 tỷ USD vào năm 2025- Ảnh 1.

Thương mại điện tử Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục đột phá mạnh mẽ

Một trong những xu hướng nổi bật là sự tập trung vào các sản phẩm thiết yếu và giải trí, đặc biệt trong các dịp khuyến mãi cuối năm như Black Friday, chương trình khuyến mại tập trung, Online Friday và dịp Tết.

Sự kiện đáng chú ý nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử cuối năm chính là Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024 do Bộ Công Thương tổ chức sắp tới.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đây trở thành không gian trải nghiệm hàng Việt số, nơi mà công nghệ và người tiêu dùng gặp gỡ trong ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất được mong chờ vào mỗi dịp cuối năm.

Không chỉ là cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận những ưu đãi mua sắm hấp dẫn, Online Friday còn là sân chơi để các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ số công bố, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tiên tiến. Đồng thời cũng thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt nâng cao vị thế, từ đó bứt phá mạnh mẽ trong thị trường đầy tiềm năng này.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa các sàn thương mại điện tử lớn hiện nay đang ngày càng gay gắt. Đặc biệt, trong các sự kiện mua sắm lớn cuối năm, các nền tảng này liên tục tung ra những chiến dịch khuyến mãi lớn, không chỉ để thu hút người tiêu dùng mà còn nhằm nâng cao vị thế của mình trên thị trường.

Ngoài các chương trình giảm giá mạnh, sự cạnh tranh còn mở rộng sang các dịch vụ hậu mãi như giao hàng nhanh, chính sách hoàn trả linh hoạt và chăm sóc khách hàng…. Đây là những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp TMĐT xây dựng niềm tin và sự hài lòng của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp nếu không tối ưu hóa những khâu này sẽ khó có thể giữ chân khách hàng và tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Theo các chuyên gia, việc chỉ tập trung vào giảm giá để thu hút khách hàng sẽ không mang lại hiệu quả lâu dài. Doanh nghiệp cần phải nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa chi phí vận hành thông qua việc áp dụng công nghệ mới. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được sự phát triển bền vững trong một thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Điều này cho thấy, để tồn tại và phát triển lâu dài, doanh nghiệp cần xây dựng những giá trị thực sự, không chỉ dựa vào các chiến lược khuyến mãi ngắn hạn. Sự phát triển bền vững cần dựa trên nền tảng công nghệ, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và cải thiện trải nghiệm người tiêu dùng.

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, hạ tầng logistics và nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thị trường TMĐT Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024 được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bước đột phá mạnh mẽ. Có thể nói, thương mại điện tử không chỉ mang lại cơ hội bứt phá về doanh thu cho doanh nghiệp Việt mà còn là nền tảng để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế, từ đó nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn