Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng hơn 54%
Thương mại điện tử Việt Nam đang tiếp tục phát triển ổn định với mức tăng trưởng trên 54% cả về doanh số và sản lượng. Các sàn lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop đều đạt kết quả tích cực, phản ánh tiềm năng lớn và sự sẵn sàng của các doanh nghiệp trong việc khai thác thị trường này.
Báo cáo toàn cảnh thị trường bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024 và dự báo quý 3/2024 vừa được Metric công bố mới đây dựa trên dữ liệu lớn phân tích thị trường E-commerce.
Báo cáo cung cấp cái nhìn toàn diện về 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, và Tiktok Shop. Đây là những dữ liệu được cập nhật mới nhất giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư hiểu rõ hơn về tình hình và xu hướng phát triển của thị trường, nắm bắt cơ hội và thách thức, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững và hiệu quả.
Theo báo cáo, thương mại điện tử Việt Nam đang tiếp tục phát triển ổn định với mức tăng trưởng trên 54% cả về doanh số và sản lượng. Các sàn lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop đều đạt kết quả tích cực, phản ánh tiềm năng lớn và sự sẵn sàng của các doanh nghiệp trong việc khai thác thị trường này.
Nửa đầu năm 2024, thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục phát triển và trở thành điểm sáng trong toàn cảnh bức tranh kinh tế. 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop ghi nhận doanh số 143.900 tỷ đồng với 1,533 triệu sản phẩm giao thành công tới tay khách hàng, tăng lần lượt 54,91% và 65,55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng trưởng này phản ánh sự phát triển bền vững của thị trường eCommerce, đồng thời cho thấy khả năng tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi sự dịch chuyển mua sắm từ offline sang online vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.
Metric cho rằng, mức tăng trưởng ấn tượng này nhờ vào sự đóng góp lớn của 2 sàn thương mại điện tử Shopee và TikTok Shop, nhất là sự xuất hiện liên tục của các phiên livestream từ các nhà bán, nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng.
Với những tăng trưởng ấn tượng này, Metric dự báo trong quý III/2024, tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam đạt mức hơn 88 nghìn tỉ đồng với 944 triệu sản phẩm được bán ra. Tăng lần lượt hơn 23,2% và 23,1% so với quý II/2024.
Dù có nhiều doanh thu tích cực, nhưng thương mại điện tử Việt Nam lại chứng kiến sự thống trị của các thương hiệu ngoại, đặc biệt là các thương hiệu đến từ ngành hàng Điện thoại - máy tính bảng, chiếm 4/10 thương hiệu có doanh số cao nhất.
Cũng trong 10 thương hiệu có doanh thu cao nhất ở 5 sàn thì duy nhất có 1 thương hiệu của Việt Nam là Vinamilk. Còn lại thuộc về sân chơi của thương hiệu ngoại. Điều này cho thấy mức cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu nội và ngoại trên nền tảng online.
Theo các chuyên gia, quý III là giai đoạn trọng điểm tăng trưởng của đa số ngành hàng, do vậy doanh nghiệp cần nghiên cứu, kiểm tra kỹ tốc độ tăng trưởng chung của sản phẩm/ngành hàng để xác định KPI kinh doanh hợp lý. Đồng thời cần tận dụng các khoảng thời gian cao điểm mua sắm của ngành hàng để tăng cường đầu tư chi tiêu vào marketing, tăng khả năng tiếp cận và doanh số.
Xu hướng người tiêu dùng sẽ tiếp tục tích cực mua hàng qua livestream và ưa chuộng mua combo. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các KOL, KOC phù hợp với thương hiệu, tổ chức các phiên livestream quảng bá sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng và cân nhắc sử dụng hình thức combo để tăng giá trị đơn hàng.
Huyền My (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.