Thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 18-25%/năm
Ngày 3/1, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Trong nước, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 với nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid - 19 và biến động địa chính trị toàn cầu.
Trong khi đó, thương mại điện tử vẫn tiếp tục được dự đoán giữ tốc độ tăng trưởng gần gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của thương mại truyền thống trên toàn cầu, đóng góp khoảng 20% và tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán lẻ vào năm 2024. Đông Nam Á tiếp tục là khu vực có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử và kinh tế số cao nhất thế giới. Thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm.
Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ trọng của thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, địa phương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra cũng như thực hiện kịp thời các chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Chính phủ và đạt được những kết quả tích cực.
Về công tác thực thi pháp luật về thương mại điện tử, trong năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ 8.794 doanh nghiệp, tổ chức và 1.520 cá nhân đăng ký tài khoản, thực hiện thủ tục thông báo cho 13.340 website thương mại điện tử và 583 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thực hiện thủ tục đăng ký.
Bên cạnh đó, tiếp nhận và xử lý 165 lượt phản ánh, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm chính như không đăng ký, thông báo website/ứng dụng, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng.
Trước những kết quả đã đạt được, trong năm 2025, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện luật chuyên ngành về thương mại điện tử. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu để tạo ra môi trường pháp lý ổn định và phát triển bền vững cho thương mại điện tử.
Tiếp tục phát triển thương mại điện tử bền vững, thương mại điện tử xanh, giảm thiểu tác động môi trường. Thúc đẩy hợp tác giữa các bên, liên kết với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển thương mại điện tử và hỗ trợ chuyển đổi số cho chợ truyền thống.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật.
Chủ động thúc đẩy việc ứng dụng AI trong các hoạt động quản lý và vận hành, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương. Song song với đó, Cục sẽ tiếp tục xây dựng và liên tục cập nhật cơ sở dữ liệu chung, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả với các đơn vị khác.
Huyền My (t/h)Công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab công bố Top 10 thương hiệu F&B Việt Nam tốt nhất 2024. Đáng chú ý là KFC đã giành ngôi vương ngành F&B năm 2024 và màn lội ngược dòng bất ngờ của Trung Nguyên Legend.