Thương mại điện tử xuyên biên giới có thể thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5
Với số lượng hàng hóa bán ra trên Amazon liên tục tăng qua các năm, đơn vị này cho rằng thương mại điện tử bán lẻ (B2C) xuyên biên giới sẽ trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 tại Việt Nam trong 5 năm tới.
Trong "Báo cáo hoạt động 2023: Trao quyền cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam" vừa được Amazon Global Selling Việt Nam công bố, đã dự báo thương mại điện tử bán lẻ (B2C) xuyên biên giới sẽ phát triển mạnh vào năm 2027 và trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 tại Việt Nam trong 5 năm tới.
Báo cáo chỉ ra hai khả năng phát triển với xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới đến 2027. Trong đó, kịch bản thông thường, kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực này có thể đạt 5 tỷ USD (tương đương 124.200 tỷ đồng).
Kịch bản cao, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam được hỗ trợ, tăng xuất khẩu online thì kim ngạch có thể đạt 12 tỷ USD, tức 296.300 tỷ đồng vào 2027. Mức này cao hơn 2,4 lần so với kịch bản thông thường và thương mại điện tử bán lẻ sẽ trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt gần 356 tỷ USD, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Năm nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu trên 20 tỷ USD, gồm điện tử - máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc - thiết bị; dệt may và nông - lâm, thủy sản.
Amazon Global Selling đánh giá hàng Việt có cơ hội tăng xuất khẩu online khi tiêu dùng toàn cầu tiếp tục dịch chuyển từ offline sang online. Dự kiến quy mô thị trường bán lẻ online năm nay là hơn 31,3 tỷ USD, chiếm gần 13% bán lẻ toàn cầu. Con số này sẽ tăng lên hơn 40,5 tỷ USD vào 5 năm tới, tương đương 15% tiêu dùng toàn cầu.
Trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31/8/2023, Amazon cho biết các đối tác Việt đã bán ra hơn 17 triệu sản phẩm. Đồng thời, giá trị xuất khẩu cũng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Trong hơn 17 triệu sản phẩm bán ra, các đối tác bán hàng Việt Nam ghi nhận 70% tăng trưởng về số lượng sản phẩm xuất khẩu qua Amazon. Trong đó, bán chạy nhất là các sản phẩm về nhà cửa, theo sau lần lượt là nhà bếp, sức khỏe - chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp.
"Danh mục này phản ánh kinh nghiệm sản xuất lâu năm và các mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam như nội thất, trang trí nhà cửa, may mặc. Đặc biệt, đà tăng trưởng của các ngành mới nổi như sức khỏe - chăm sóc cá nhân và ngành làm đẹp đã giúp bức tranh xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam ngày càng mở rộng", báo cáo của Amazon nêu rõ.
Theo đó, giá trị xuất khẩu của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, số lượng đối tác bán hàng Việt Nam có doanh thu vượt mức 100.000 USD trên Amazon đã tăng trưởng đến 70%.
Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn Access Partnership (Anh), kim ngạch xuất khẩu qua thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam năm 2022 ước khoảng 80.700 tỷ đồng (3,5 tỷ USD).
Hai thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là Đông Nam Á và Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ là những thị trường ưu tiên của họ trong 5 năm tới. Bởi, người tiêu dùng ở các nước phương Tây tăng tần suất mua và chi tiêu online cho hàng từ Việt Nam từ 2020.
Huyền My (t/h)Mới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.