Thương mại song phương Việt Nam - Australia tăng 43,4% trong tháng 1/2024

Kinh doanh
04:00 PM 04/03/2024

Theo số liệu Thương vụ Việt Nam tại Australia tổng hợp được từ thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và Australia trong tháng 1/2024 đạt 1,25 tỷ USD, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Hai nước Việt Nam - Australia thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Sau hơn nửa thế kỷ, hai nước đã đạt được sự hợp tác ngày càng toàn diện, sâu sắc; quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng đã và đang phát triển tốt đẹp. Đặc biệt, từ năm 2018 trở lại đây khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, quan hệ hợp tác đã chuyển sang một giai đoạn mới toàn diện và thực chất hơn, đạt nhiều thành tựu nổi bật.

Quy mô thương mại song phương Australia - Việt Nam liên tục gia tăng mạnh mẽ nhờ khai thác một số hiệp định thương mại đa phương.

Thương mại song phương Việt Nam - Australia tăng 43,4% trong tháng 1/2024- Ảnh 1.

Sau 4 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực, năm 2022, Australia đã trở thành thị trường nhập khẩu đơn lẻ đứng thứ 6 của thủy sản Việt Nam. Ảnh: Báo Công Thương

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2024, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Australia đạt 1,25 tỷ USD, tăng 43,4% so với cùng kỳ 2023, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm 2023 (872 triệu USD) và tăng 10,6% so với tháng 12/2023 (1,13 tỷ USD).

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2024 đạt 521,9 triệu USD, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2023 (381,1 triệu USD) và tăng 31,1% so với tháng 12/2023 (398 triệu USD).

Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 1/2024 đạt 729 triệu USD, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2023 (491,4 triệu USD) và tăng nhẹ 0,3% so với tháng 12/2023 (727 triệu USD).

Thương mại song phương Việt Nam và Australia trong tháng 1/2024 có sự phục hồi và tăng trưởng rất tích cực so với cùng kỳ tháng 1/2023, cũng như tháng 12/2023 liền kề trước đó.

Về xuất khẩu, ngoại trừ 3 mặt hàng giảm là dầu thô (-32,6%), giày dép (-8%), nguyên phụ liệu dệt may, da giày (-0,5%), các mặt hàng đều chứng kiến sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ, nhất là các mặt hàng chủ lực như điện thoại các loại và linh kiện (+20,7%), hàng dệt may (+10,2%), máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác (+8,7%), thủy sản (+89,5%)…

Đặc biệt, nhiều mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam dù kim ngạch xuất sang Australia còn “khiếm tốn” song đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ như cà phê (+483,3%), sắt thép các loại (+386,7%), giấy và các sản phẩm từ giấy (+165,9%), gạo (+84,9%)… hứa hẹn tiềm năng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Về nhập khẩu, hầu hết các mặt hàng trọng điểm với tỷ trọng cao (trên 5%) đều chứng kiến mức tăng mạnh (trừ quặng và khoáng sản khác giảm 1,3%).

Sự phục hồi thương mại song phương trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ tháng 1/2023 chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ từ mức nền thấp của tháng 1/2023 khi kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam, Australia nói riêng giai đoạn đó chịu ảnh hưởng tiêu cực từ lạm phát khiến sức mua suy giảm.

Năm 2023, Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam (đứng thứ 13 về xuất khẩu và đứng thứ 9 về nhập khẩu). Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia (đứng thứ 10 về xuất khẩu sang Australia và đứng thứ 10 về nhập khẩu từ Australia).

Đặc biệt, hiện nay Australia là thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho một số ngành ngành công nghiệp và năng lượng của Việt Nam như than đá (chiếm 45,77% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ thế giới), quặng và các loại khoáng sản (chiếm 44,78%) năm 2023.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn