Thương mại Việt Nam - Lào nhiều dư địa phát triển
Hợp tác kinh tế thương mại song phương giữa Việt Nam - Lào đã đạt nhiều thành tựu song vẫn còn nhiều dư địa góp phần tô thắm tình cảm hữu nghị đặc biệt 2 nước.
Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào cả năm 2022 đạt giá trị 1,703 tỷ USD, tăng 24% so với cả năm 2021. Kết quả trên tăng trưởng ấn tượng, vượt kỳ vọng lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra tại Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam -Lào.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 656,4 triệu USD, tăng 10,4%. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: Xăng dầu các loại đạt 125,4 triệu USD, tăng 439%; Phân bón các loại đạt 32,5 triệu USD, tăng 31,2%; Sắt thép các loại đạt 60,1 triệu USD, giảm 15%; Máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 59,2 triệu USD, tăng 1,4%; Sản phẩm từ sắt thép đạt 44,3 triệu USD, giảm 41%; Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 36,6 triệu USD, giảm 20,7%.
Nhập khẩu đạt 1,047 tỷ USD, tăng 34,6%. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: Gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 140 triệu USD, tăng 29,4%; Phân bón các loại đạt 92 triệu USD, tăng 50%; Cao su đạt 242,2 triệu USD, tăng 30,4%; Ngô đạt 29 triệu USD, tăng 5,259%.
Riêng tháng 12/2022 tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào đạt 211 triệu USD, tăng 60% so với tháng 11/2021.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào tháng 12/2022 đạt 101 triệu USD, tăng mạnh 129% so với tháng 11/2022. Một số mặt hàng xuất khẩu sang Lào có giá trị tăng đột biến trong tháng 12 là xăng dầu các loại đạt 60,1 triệu USD, tăng 721,7% so với tháng 11/2022.
Đây là kết quả đến từ hợp tác thương mại hỗ trợ nguồn cung xăng dầu giữa hai nước trong thời gian qua; tiếp đến là mặt hàng máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 4,4 triệu USD, tăng 60,6%; sắt thép các loại đạt 3,6 triệu USD, tăng 22,1%; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 1,4 triệu USD, tăng 50,6%...
Về nhập khẩu của Việt Nam từ Lào tháng 12/2022 đạt giá trị 110,2 triệu USD, tăng 24,4% so với tháng 11/2022.
Mặt hàng nhập khẩu chính gồm: cao su đạt 27 triệu USD, tăng 25,9%; phân bón các loại đạt 7,4 triệu USD, tăng 57%, hàng rau quả đạt 360.000 USD, tăng 189%.
Bên cạnh đó, Lào là quốc gia đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Ngược lại, Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng, tài chính, viễn thông, chế biến chế tạo.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại Việt Nam - Lào trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hai bên cần duy trì và cải tiến mô hình thông quan phòng dịch tại các cửa khẩu biên giới đường bộ.
Bên cạnh đó, hai bên theo dõi sát việc đưa hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, bảo đảm luồng lưu thông được ổn định, thông suốt; thường xuyên rà soát, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển thương mại biên giới cho phù hợp với tình hình thực tế.
Mặt khác, với những điều kiện thuận lợi từ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định thương mại song phương Lào-Việt Nam, Hiệp định thương mại biên giới Lào-Việt Nam, hai nước tích cực khai thác tiềm năng, hướng tới mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương tăng lên 10-15% trong giai đoạn 2021-2025.
Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.