Thương mại Việt Nam - Trung Quốc cán mốc kỷ lục 205 tỷ USD năm 2024
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2024 đạt hơn 205 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam thiết lập được quy mô thương mại ở mức kỷ lục.
Theo thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, tháng 12/2024, thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 19,66 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của nước ta đạt 6,17 tỷ USD, nhập khẩu đạt 13,49 tỷ USD.
Tính chung trong năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 205,2 tỷ USD, đánh dấu mức kỷ lục về thương mại 2 chiều. So với năm 2023 đã tăng thêm 33,3 tỷ USZD. Với kết quả này, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại đầu tiên mà nước ta thiết lập quy mô trên 200 tỷ USD.
Tuy nhiên trong số đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 61,2 tỷ USD, giảm khoảng 100 triệu USD so với năm 2023. Ngược lại, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh, đạt 144 tỷ USD, tăng tới 33,35 tỷ USD, tương đương mức tăng 30,1%. Điều này dẫn đến mức thâm hụt thương mại ngày càng mở rộng, với nhập siêu từ Trung Quốc trong năm 2024 lên đến 82,8 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với mức nhập siêu 49,35 tỷ USD của năm 2023.
Những năm gần đây, dù bối cảnh thương mại toàn cầu ảm đạm thì tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 5,6% và chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 110,6 tỷ USD, giảm 6,6% và chiếm 33,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Sự hồi phục mạnh mẽ về thương mại hàng hóa từ đầu năm 2024 đã đưa hoạt động xuất nhập khẩu liên tục sôi động, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị từ Trung Quốc tăng mạnh.
Theo Bộ Công thương, thương mại song phương 2 nước còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện toàn diện khu vực (RCEP).
Tới đây, khi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) được nâng cấp sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư, thương mại.
Huyền My (t/h)Năm 2025 ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 18 tỷ USD. Yếu tố xanh là yêu cầu tất yếu đối với ngành gỗ để đạt được mục tiêu đề ra và xuất khẩu bền vững.