Thương mại Việt Nam - UAE tăng trưởng mạnh

Xuất nhập khẩu
02:35 PM 28/10/2024

Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á.

Theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 9, xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt 4,31 tỷ USD, tăng mạnh 43,67% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng 1,31 tỷ USD). Đến hết tháng 9/2024, thương mại song phương Việt Nam và UAE đạt gần 5 tỷ USD, tăng hơn 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Điện thoại, linh kiện điện tử là một trong số những nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào UAE. Ảnh: Báo Chính Phủ

Điện thoại, linh kiện điện tử là một trong số những nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào UAE. Ảnh: Báo Chính Phủ

Việt Nam xuất khẩu sang UAE chủ yếu các mặt hàng như điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép… 

Trong 9 tháng đầu năm nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Trung Đông này là điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 2,54 tỷ USD, tăng 56,85% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, còn nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch từ vài chục đến vài trăm triệu USD. Có thể kể đến như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 357 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 380 triệu USD; giày dép các loại đạt 151,2 triệu USD…

Ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ UAE các mặt chủ yếu: dầu mỏ; khí đốt hóa lỏng; chất dẻo nguyên liệu; kim loại thường khác; thức ăn gia súc và nguyên liệu…

Cụ thể, hết tháng 9 đạt 653,46 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng gần 114 triệu USD). Trong đó, có 3 nhóm hàng nhập khẩu từ UAE đạt kim ngạch trăm triệu đô gồm: sản phẩm khác từ dầu mỏ đạt 252,77 triệu USD; khí đốt hóa lỏng đạt 187,2 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 128,38 triệu USD.

Hết tháng 9, thương mại Việt Nam - UAE đạt gần 5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu gần 3,66 tỷ USD.

Hai nước phấn đấu sớm đạt được mục tiêu 10 tỷ USD kim ngạch thương mại trong tương lai gần và cao hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Kể từ khi Việt Nam và UAE thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1993, hợp tác song phương duy trì đà phát triển tốt đẹp với nhiều kết quả thực chất. Về chính trị, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp. Quan hệ Việt Nam – UAE ngày càng được củng cố và thắt chặt hơn sau những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Những chuyến thăm này đã góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới. Việt Nam luôn coi UAE là một trong những đối tác quan trọng nhất tại khu vực Trung Đông. Việt Nam đánh giá cao vai trò, vị trí của UAE, là một trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, du lịch, logistics hàng đầu của khu vực Trung Đông và thế giới.

UAE hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - châu Phi với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2022. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn (trên 3 tỷ USD/năm).

Về đầu tư, UAE là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam với tổng số 42 dự án đầu tư trực tiếp (FDI), tổng vốn là 74,09 triệu USD, đứng thứ 52/148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (tính lũy kế đến tháng 9/2024).

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.