Thưởng thức những lễ hội độc đáo ở Bắc Giang
Không chỉ phong phú, đa dạng trong các loại hình lễ hội đình, chùa, đến với Bắc Giang du khách còn được thưởng thức lễ hội tái diễn các nghi lễ và sự kiện lịch sử.
Đây là loại hình lễ hội mà trong đó có các nghi lễ tín ngưỡng thờ những nhân vật lịch sử cùng với các trò tái diễn lại cảnh đánh giặc bảo vệ quê hương đất nước. Những lễ hội này thường gắn liền với các di tích đình, đền, chùa hoặc danh lam thắng cảnh của địa phương.
Lễ hội Xương Giang xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang
Lễ hội Xương Giang bắt đầu mở ra trên đất Bắc Giang vào năm 1998 và được duy trì liên tục từ đó đến nay. Đây là lễ hội được xây dựng trên cơ sở chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang năm 1427 của quân dân Đại Việt chống lại và đập tan gần 10 vạn quân xâm lược Minh trong gần một tháng tại địa bàn Lạng Sơn và Bắc Giang ngày nay.
Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang chính là chiến thắng quyết định cho nền độc lập dân tộc ta ở thế kỷ XV. Vì thế lễ hội Xương Giang là một lễ hội phản ánh lịch sử hào hùng chống xâm lăng của dân tộc, thông qua các hình tượng văn hoá ngay trên mảnh đất Xương Giang lịch sử. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 6, 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại khu vực tượng đài xã Xương Giang - được xây dựng nền thành Xương Giang xưa thuộc thành phố Bắc Giang.
Trong ngày chính hội mùng 6 tháng Giêng, cùng với cuộc rước hoành tráng là lễ dâng hương được tổ chức long trọng. Các lễ chào cờ, đọc diễn văn, đọc "Đại Cáo Bình Ngô", lễ múa ra quân được tiến hành trang nghiêm trong nhạc hiệu trầm hùng và thúc giục lòng người. Ngay sau đó hàng loạt các trò chơi dân gian được tổ chức: cờ người, vật, bóng đá, chọi gà, đu,... và các hoạt động văn nghệ hát chèo, tuồng, giao lưu văn nghệ diễn ra đến hết hội.
Cùng ngày đó, hội làng Thành xã Xương Giang và hội làng Vẽ phường Thọ Xương diễn ra ở đình, chùa hai làng cũng được tổ chức tạo nên không gian rộng lớn cho lễ hội Xương Giang thu hút đông đảo nhân dân trong vùng về trảy hội.
Lễ hội Yên Thế thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế
Năm 1984 - lễ kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Yên Thế được tổ chức tại đồn Phồn Xương, thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế. Từ lễ kỷ niệm đã trở thành một lễ hội mới - hội Yên Thế đã gây được tiếng vang lớn trong và ngoài tỉnh, và được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ. Lễ hội được tổ chức vào ngày 16/3 dương lịch hàng năm.
Lễ hội bắt đầu là bài diễn văn khai hội nói về ý nghĩa của phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế và khẳng định tinh thần của cuộc khởi nghĩa đời đời bất diệt. Tiếp theo là lễ diễu hành biểu dương sức mạnh, sự uy nghi và đẹp đẽ - đây cũng là lúc làm cho không khí ngày hội trở nên sôi động nhất bằng các trò diễn, đóng vai Hoàng Hoa Thám và các đoàn quân của ông... khơi lại một thời lịch sử hào hùng của ông cha ta.
Ngay sau lễ diễu hành, các trò vui lần lượt được tổ chức ở nhiều địa điểm: vật, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đu,... hay thi cắm trại của học sinh các trường bên sườn đồi đối diện,... cứ như thế, nơi nào trong khu vực lễ hội cũng chật kín người xem và tham dự.
Hội Yên Thế như đã thấm vào lòng dân nơi đây tự lúc nào, hàng năm cứ vào ngày này, nhân dân trong vùng lại tưng bừng về đây trảy hội. Đồng thời thu hút rất nhiều khách thập phương, khách tham quan du lịch.
PVCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.