Thường Tín phấn đấu về đích huyện Nông thôn mới trong năm 2020

Cộng tác viên
10:40 PM 04/06/2020

Với 28/28 xã đạt kết quả 100% chuẩn nông thôn mới, 19/19 tiêu chí ở các xã đạt, hiện nay huyện Thường Tín đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm tra xét công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới gửi Văn phòng điều phối Nông thôn mới Thành phố vào tháng 6/2020.

    Bà Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình Nông thôn mới tại huyện Thường Tín

    Gia tăng sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường

    Theo ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, về sản xuất nông nghiệp, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, nhất trí cao của nhân dân nên huyện tổ chức hoàn thành việc dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp với diện tích 4.546,2 ha/4.302,19 ha (đạt 105,67% kế hoạch thành phố giao), phê duyệt quy hoạch xây dựng Nông thôn mới nên tạo vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung.

    Điển hình như vùng sản xuất lúa chất lượng cao để xây dựng và triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 1.745 ha tại các xã: Nguyễn Trãi, Thắng Lợi, Hòa Bình, Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến… Vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh tập trung với diện tích 545 ha tại các xã: Tân Minh, Hà Hồi, Thư Phú, Liên Phương, Tự Nhiên… Về phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, chăn nuôi lợn trọng điểm, điển hình các trang trại chăn nuôi xã Hồng Vân, Vân Tảo,… Chăn nuôi chuồng trại khép kín, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn nên đảm bảo được công tác phòng chống dịch bệnh đặc biệt dịch tả lợn châu Phi. Về cơ bản các hộ chăn nuôi đều sử dụng hầm biogas, chế phẩm sinh học để xử lý môi trường.

    Ngoài xã Hồng Vân đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao, hiện nay huyện Thường Tín có 4 xã: Vạn Điểm, Văn Bình, Hà Hồi, Nhị Khê phấn đấu về đích Nông thôn mới nâng cao năm 2020. Hiện xã Văn Bình có 13/19 tiêu chí đạt, 4/19 tiêu chí cơ bản đạt (tiêu chí Quy hoạch, Tổ chức sản xuất, Y tế, Môi trường và An toàn thực phẩm), chưa đạt 02/19 (tiêu chí Trường học, Văn hóa - 2/3 thôn). Xã Nhị Khê có 13/19 tiêu chí đạt, 4/19 tiêu chí cơ bản đạt (tiêu chí Quy hoạch, Tổ chức sản xuất, Y tế, Môi trường và An toàn thực phẩm), chưa đạt 2/19 (tiêu chí Trường học, Văn hóa - 1/5 thôn).

    Về các chuỗi liên kết và mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện, đến nay có 14 mô hình như mô hình cá sông trong ao ở xã Tiền Phong; nuôi trồng thủy sản tập trung ở xã Nghiêm Xuyên; sản xuất rau an toàn tại các xã Hà Hồi, Thư Phú, Tân Minh, Ninh Sở... Trên địa bàn huyện có 6 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp như chuỗi rau VietGap tại xã Ninh Sở, Lê Lợi; chuỗi sản phẩm trà dược liệu tại xã Hồng Vân, Khánh Hà…

    Là một huyện có dân số đông và nhiều khu công nghiệp, Thường Tín rất chú trọng công tác bảo vệ môi trường và xử lý rác thải. Với 11 cụm công nghiệp làng nghề, có 48 làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất đều có kho chứa thu gom tập trung và ký hợp đồng xử lý với các công ty có chức năng, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư phân loại tách riêng với rác thải sinh hoạt và được thu gom sau đó đưa đi xử lý.

    UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn ban hành Quy chế tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, trong đó quy định cụ thể về nhiệm vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện. Đồng thời, bố trí thùng thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật đặt tại các cánh đồng khắc phục cơ bản tình trạng gây ô nhiễm môi trường do vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Ngành nông nghiệp cũng đã hướng dẫn các hộ nông dân sử dụng 100% các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép.

    Trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, tiếp tục đầu tư cải tạo chuồng trại, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, bảo vệ môi trường, hầu hết các hộ đều có bể biogas, đạt tỷ lệ 100% chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh, nằm cách biệt với nhà ở, nguồn nước, bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh. Chất thải chăn nuôi được thu gom xử lý, tận dụng làm phân bón trồng hoa màu, cây cảnh, khí đốt, không xả chảy trên bề mặt đất, không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.

    Bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế - xã hội

    Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, đánh giá cao kết quả mà huyện Thường Tín đã đạt được trong 5 tháng đầu năm. Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhưng kinh tế của huyện vẫn phát triển; an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được đảm bảo.

    Về kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy ghi nhận Thường Tín đã quan tâm, phát triển các làng nghề, sản phẩm OCOP, tạo điểm nhấn trong xây dựng Nông thôn mới. Huyện cũng chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi liên kết; phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. 

    “Mặc dù xuất phát điểm còn khó khăn, song đến nay hạ tầng giao thông, các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá.

    Huyện Thường Tín quyết tâm xây dựng nông thôn mới toàn diện trong năm 2020

    Nhấn mạnh một số nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, huyện Thường Tín tập trung, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu của Chương trình 02-CTr/TU để về đích huyện Nông thôn mới trong năm 2020. Trong đó, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của toàn dân trong xây dựng Nông thôn mới. Huyện cũng phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp trong năm nay trên 4,6%. Trước mắt kịp thời thu hoạch vụ Xuân và chuẩn bị triển khai vụ mùa; phát triển mạnh hơn về chăn nuôi, tập trung tái đàn lợn gắn với làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong trồng trọt, chăn nuôi.

    “Huyện cần phát huy thế mạnh “Đất trăm nghề” gắn với du lịch sinh thái. Muốn vậy, huyện cần đẩy mạnh hơn công tác thông tin, tuyên truyền về các làng nghề trên địa bàn. Huyện cần có đề án hoặc đề tài để hỗ trợ, tuyên truyền, quảng bá và công nhận các sản phẩm OCOP của huyện, phấn đấu có thêm 100 sản phẩm OCOP được công nhận trong năm nay” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu. Ngoài ra, huyện cần rà soát, xây dựng quy hoạch các điểm dân cư nông thôn, trung tâm xã, tiệm cận với phát triển đô thị. Riêng với xã Hồng Vân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Sở NN&PTNT phối hợp với Hội Phụ nữ TP đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Nông thôn mới Tràng An để TP phê duyệt, trên cơ sở xây dựng điểm du lịch sinh thái kết hợp làng nghề, đồng thời là cơ sở để TP nhân rộng sang các địa phương khác.

    Về công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, huyện tập trung rà soát, tổ chức tốt việc lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện; bám sát dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP và phù hợp với đặc thù của huyện là vùng đất danh hương, có nhiều làng nghề truyền thống. Trên cơ sở đó, văn kiện phải đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và đề ra những giải pháp đột phá để huyện phát triển trong nhiệm kỳ tới.

    Đồng thời, chuẩn bị kỹ công tác nhân sự, nhất là bảo vệ chính trị nội bộ, không để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy các cấp. Chậm nhất đầu tháng 7/2020, Ban Thường vụ Huyện ủy phải báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy Đề án nhân sự của huyện. Cùng với đó, chủ động chuẩn bị tốt các hoạt động trang trí, khánh tiết để Đại hội thực sự là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng...

    Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh yêu cầu mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Cùng với phòng, chống dịch COVID-19, huyện cần triển khai các hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế, gắn với triển khai nghiêm túc, công khai, minh bạch các gói hỗ trợ và chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh mùa hè...

    Trước đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã đi thăm, kiểm tra mô hình du lịch sinh thái, kết hợp sinh vật cảnh tại xã Hồng Vân. Đây là xã đạt Nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Thường Tín. Từ làng nghề trồng cây cảnh, xã Hồng Vân đã mạnh dạn chuyển đổi sang phát triển mô hình du lịch sinh thái và sản xuất các sản phẩm hữu cơ như: Trà Chùm Ngây, trà Trâu Cổ... góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân.
     

    PV
    Ý kiến của bạn
    Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách

    Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.