Thương vụ sáp nhập hai 'ông lớn' ngành hàng không Canada đổ bể

Doanh nghiệp - Doanh nhân
05:14 PM 05/04/2021

Hãng hàng không Air Canada vừa thông báo hủy việc tiếp quản đối thủ Transat AT Inc. với giá 180 triệu USD, do vấp phải các rào cản từ phía cơ quan quản lý cạnh tranh ở châu Âu liên quan đến vấn đề chống độc quyền.

Quyết định này của Air Canada đang làm dấy lên câu hỏi về tương lai của Transat - hãng hàng không lớn thứ ba Canada, có trụ sở tại Montreal (Canada).

Đề xuất sáp nhập Air Canada-Transat được công bố vào tháng 6/2019. Giá trị của thương vụ này đã "rơi tự do," từ 720 triệu CAD (573 triệu USD) xuống chỉ còn khoảng 180 triệu CAD, do nhu cầu đi lại bằng đường không giảm mạnh trong đại dịch COVID-19.

Thương vụ sáp nhập hai 'ông lớn' ngành hàng không Canada đổ bể - Ảnh 1.

Vụ sáp nhập Air Canada và Air Transat "đổ bể".

Thương vụ trên đã nhận được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng Canada, nhưng còn phải chờ Ủy ban châu Âu (EC) xem xét, vì Air Canada và Transat đều có thị phần lớn ở "lục địa già".

Trong tuyên bố ngày 2/4, Air Canada cho biết, EC có thể sẽ không chấp thuận thỏa thuận này ngay cả khi hãng đã đề nghị nhượng bộ.

Trong một thông cáo báo chí, Air Canada cho biết, việc bổ sung các biện pháp khắc phục có thể vẫn không đảm bảo được sự chấp thuận của EC và sẽ ảnh hưởng đáng kể đến năng lực cạnh tranh của Air Canada trên thị trường quốc tế, tác động tiêu cực đến khách hàng, các bên liên quan khác và cả triển vọng trong tương lai của hãng.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch điều hành EC, Margrethe Vestager cho biết, Air Canada và Transat đã không đưa ra đủ nhượng bộ để EC giảm bớt quan ngại về độc quyền.

Bà Vestager nhận định: “EC nhận ra rằng, thương vụ này sẽ làm dấy lên lo ngại về cạnh tranh không công bằng trên các tuyến đường xuyên Đại Tây Dương. Dựa trên kết quả của cuộc điều tra thị trường, các biện pháp khắc phục dường như chưa đủ".

Air Canada đã trả 12,5 triệu CAD cho Transat như một khoản phí chấm dứt hợp đồng. Thỏa thuận kết thúc có nghĩa là Transat có thể tự do tìm kiếm người mua khác hoặc nỗ lực hoạt động một mình.

Hồi tháng 12/2020, một công ty đầu tư do doanh nhân người Quebec, Pierre Karl Peladeau đứng đầu đã đề nghị trả 5 CAD/cổ phiếu của Transat nếu thỏa thuận với Air Canada đổ bể.

Ông Peladeau ngày 2/4 cho biết, lời đề nghị này vẫn có hiệu lực. Christophe Hennebelle, người phát ngôn của Transat, cho biết hãng sẽ ưu tiên ba việc, bao gồm tìm kiếm tài trợ của chính phủ, hoàn thiện kế hoạch khởi động lại và thăm dò "tất cả các lựa chọn chiến lược, bao gồm cả việc xem xét đề nghị của ông Peladeau".

Trong tháng 3 vừa rồi, Giám đốc điều hành của Transat, Jean-Marc Eustache cho biết, hãng đang đàm phán vay 500 triệu USD. 

“Các cuộc thảo luận của chúng tôi với chính phủ đang tiến triển tốt và chúng tôi tin có thể đạt được thỏa thuận trong vài tuần tới”, ông Hennebelle tiết lộ.

Về phía Air Canada, hãng này đã sa thải hơn 20.000 trong số 38.000 nhân viên và đang đàm phán với chính phủ liên bang để được hỗ trợ tài chính.

Tại sàn giao dịch chứng khoán Toronto phiên 1/4, giá cổ phiếu của Air Canada và của Transat đóng cửa ở mức lần lượt là 26,45 CAD/cổ phiếu và 5,49 CAD/cổ phiếu.

Dương Dương
Ý kiến của bạn
Đường sắt nhẹ LRT: Từ ám ảnh kẹt xe tới giấc mơ “sống Tây Ninh làm việc TP.HCM” Đường sắt nhẹ LRT: Từ ám ảnh kẹt xe tới giấc mơ “sống Tây Ninh làm việc TP.HCM”

Tuyến đường sắt nhẹ (LRT) sẽ chạy dọc sông Sài Gòn, kết nối thẳng tới Tây Ninh với chiều dài gần 100km, kỳ vọng góp phần gỡ điểm nghẽn về giao thông, thúc đẩy kinh tế, xã hội toàn vùng Đông Nam Bộ phát triển tương xứng tiềm năng.