Thuỷ Nguyên ( Hải Phòng): Nhiều thành tựu từ chuyển đổi số

Địa phương
10:08 PM 27/11/2024

Với những quyết tâm nỗ lực, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu từ chuyển đổi số. Đây cũng là động lực phát triển để huyện Thuỷ Nguyên trở thành thành phố vào 01/01/2025.

Ngay từ đầu năm, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được huyện Thủy Nguyên quan tâm, chỉ đạo, thống nhất triển khai đồng bộ, bám sát theo các chương trình, kế hoạch của thành phố Hải Phòng. Đây cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chủ đề năm 2024 của huyện.

Nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân đã có chuyển biến tích cực. Doanh nghiệp, người dân đã bắt đầu có ý thức trách nhiệm và mong muốn được tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Thuỷ Nguyên ( Hải Phòng): Nhiều thành tựu từ chuyển đổi số- Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị tuyên truyền Công tác bảo đảm, an ninh mạng và bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng

Theo đó, huyện tập trung phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ chuyển đổi số; đầu tư lắp đặt hệ thống 29 camera giám sát tầm cao phục vụ công tác giám sát trật tự xây dựng, tài nguyên khoáng sản; 12 camera tại 3 nút điểm nóng giao thông; 03 camera tích hợp AI tại bộ phận một cửa các xã Kênh Giang, Hoàng Động, An Lư. Qua đó, kịp thời chỉ đạo xử lý dứt điểm 13/13 vụ việc vi phạm pháp luật được hệ thống camera giám sát tầm cao phát hiện.

Xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số phục vụ hiệu quả các hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân.

Tập trung thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch; thực hiện chuyển 99,73% dữ liệu vào cơ sở dữ liệu hộ tịch quốc gia để giảm tải quy trình và thời gian tác nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính.

Thuỷ Nguyên ( Hải Phòng): Nhiều thành tựu từ chuyển đổi số- Ảnh 2.

Khai trương trung tâm Giám sát - điều hành huyện Thủy Nguyên

Ngày 10/5, Trung tâm Giám sát - Điều hành huyện Thủy Nguyên khai trương, đây là nơi tập trung thực hiện việc giám sát, tích hợp, thu thập và xử lý các hệ thống thông tin đã được thiết lập trong từng ngành, từng lĩnh để phân tích phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; đồng thời phục đắc lực công tác điều tra, giám sát về an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Xây dựng hệ thống tổng hợp, phân tích và trực quan hóa dữ liệu huyện Thủy Nguyên (phần mềm dữ liệu kinh tế - xã hội huyện trên nền tảng số); đến nay, đã chỉ đạo các phòng, đơn vị phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng kho dữ liệu, thu thập, chỉnh lý và làm sạch 29.593 trường dữ liệu để thực hiện đưa hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước lên môi trường số.

Ngày 12/4 ra mắt ứng dụng Thủy Nguyên Smart. Ngay sau khi đưa vào hoạt động, phần mềm đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, phần mềm đã có trên 193.000 tài khoản đăng ký sử dụng (chiếm 48,5% dân số Thủy Nguyên). Điều này có thể khẳng định, tại thời điểm hiện tại với số lượng phổ rộng về tài khoản, tạo điều kiện trực tiếp cho gần 50% dân số huyện có thể giao tiếp nhanh chóng với chính quyền qua phần mềm.

Thuỷ Nguyên ( Hải Phòng): Nhiều thành tựu từ chuyển đổi số- Ảnh 3.

Hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng Thủy Nguyên Smart (ảnh CTTĐT huyện Thủy Nguyên).

Đến nay, đã có 208/208 vụ việc ghi nhận và giải quyết dứt điểm qua phần mềm. Bên cạnh đó, huyện thực hiện đa dạng hóa các kênh hỗ trợ công dân thông qua các đường dây nóng: Đường dây nóng tiếp nhận, phản ánh, góp ý về thủ tục hành chính (Hotline 0772.258.368); Đường dây nóng về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị chung của người dân và doanh nghiệp (Hotline 0819.629.988).

Một trong những trụ cột trọng tâm của chuyển đổi số được huyện xác định là đảm bảo giải quyết nhanh chóng, kịp thời và thuận lợi nhất đối với thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Theo đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn.

Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình cấp huyện đạt 99,96%, cấp xã đạt 92,68%. Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện đạt 84,97%, cấp xã đạt 90,17%. Triển khai 2 dịch vụ công liên thông "Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHXH cho trẻ dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí".

Người dân huyện Thủy Nguyên cũng đang thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và đang bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Tổ công nghệ số cộng đồng, nòng cốt là lực lượng thanh niên huyện đã tích cực triển khai và hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng Thủy Nguyên Smart, nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử. Triển khai hóa đơn điện tử tới 117 doanh nghiệp, tổ chức và 22 hộ kinh doanh (đạt 100%). Triển khai eTax Mobile đến 1.382 người nộp thuế sử dụng eTax Mobile, tổng số tiền thuế nộp qua ứng dụng là 10 tỷ đồng.

Về thực hiện ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội: khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp. Tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD phục vụ khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip…

Đến nay, đã cấp 319.457 thẻ căn cước công dân gắn chip và căn cước. Từ 1/7 thực hiện theo Luật Căn cước 2023 đã cấp 26.856 thẻ, trong đó dưới 6 tuổi: 5.581, từ đủ 6 đến dưới 14 tuổi: 3.783. Đã kích hoạt 210.992 tài khoản định danh điện tử. Trong đó tài khoản mức 1: 14.192, mức 2: 196.800.

Thủy Nguyên cũng là một trong những địa phương đi đầu trong khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt và các hình thức trực tuyến khác. Toàn huyện đã có 1.282 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký thu nộp BHXH, BHYT, BHTN qua giao dịch điện tử và dịch vụ công (98,5%). Cài đặt 158.440 ứng dụng VssID cho người dân. 265.941/266.867 người tham gia BHXH, BHYT được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (99,65%).

Chỉ đạo triển khai các phần mềm, công nghệ tiện ích trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - thông tin: 36/37 trạm y tế thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD; số lượt khám chữa bệnh bằng CCCD tại các trạm y tế là: 2.535 lượt (đạt 76%); số lượt khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD tại bệnh viện đa khoa là: 65.168 lượt người (đạt 61,6%). 44 trường tiểu học, THCS đã thực hiện xây dựng trường học thông minh thông qua chia sẻ dữ liệu (với 38 phòng học thông minh được xây dựng). Xây dựng kho học liệu điện tử cho các cấp học; 100% các cơ sở giáo dục hoàn thành số hóa hồ sơ quản lý nhà trường; đang hoàn thiện, chạy thử nghiệm Trung tâm điều hành giáo dục Thủy Nguyên.

Thuỷ Nguyên ( Hải Phòng): Nhiều thành tựu từ chuyển đổi số- Ảnh 4.

Ứng dụng Thủy Nguyên Smart (ảnh CTTĐT huyện Thủy Nguyên)

Có được kết quả trên là nhờ sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chia sẻ của người dân và doanh nghiệp trên tinh thần quyết liệt, quyết tâm trong triển khai đưa chuyển đổi số vào cuộc sống.

Trong thời gian tới, huyện Thủy Nguyên Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch các cấp về chuyển đổi số. Phát triển nền tảng số, hạ tầng số: viễn thông, internet đến các hộ gia đình trên địa bàn huyện. Phát triển, nâng cấp hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ thông tin, cơ sở vật chất tại các cơ quan, đơn vị đến cấp xã và đảm bảo các trang thiết bị đầu cuối (máy tính, máy in...) đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất ứng dụng các giải pháp công nghệ (tem điện tử; hóa đơn điện tử; công nghệ mã vạch, QR code,...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền và phổ cập về thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt....

Đây là động lực phát triển để huyện Thủy Nguyên trở thành thành phố vào 1/1/2025, và là tiền đề quan trọng để tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số trong những năm tiếp theo.

Minh Phương
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2 Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2

Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2, năm 2024 tiếp tục được tổ chức với chủ để "Mê Linh rực rỡ sắc hoa" sẽ được tổ chức trong 4 ngày, dự kiến từ ngày 26/12/2024 đến hết ngày 29/12/2024, tại Quảng trường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh.