Thuỷ Sơn (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng): Cần xem xét lại quyền lợi của người dân khi bị cưỡng chế

Xã hội
09:47 AM 07/02/2021

Phát hiện gia chủ lấn chiếm vỉa hè, chính quyền địa phương tới lập biên bản. Khi chưa có thông báo để gia đình thu xếp tháo dỡ phần diện tích vi phạm, cũng chưa có quyết định xử phạt hành chính, trong vòng vài tiếng đồng hồ, chính quyền đã đưa lực lượng cùng phương tiện tới cưỡng chế một cách chóng vánh.

Theo phản ánh của bà Lê Thị Thu Huyền (SN 1982, trú tại thôn 7, xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng), trên phần hành lang vỉa hè đường bao phía bắc nơi gia đình bà đang sinh sống, bà có cho người đặt tượng và một số vật dụng bằng đá mỹ nghệ.

Hồi 12h ngày 9/1, khi bà Huyền không có ở nhà, tổ công tác do UBND xã Thủy Sơn mà bà Lê Thị Mai, Chủ tịch UBND xã là người đứng đầu đã tới gia đình và lập biên bản với nội dung bà Huyền đã cho dựng tượng và tường đá xanh, chậu hoa ở đất hành lang vỉa hè. Tổ công tác yêu cầu bà Huyền phải di chuyển toàn bộ các vật dụng trên… trước 16h cùng ngày! Trong thời hạn trên, nếu bà Huyền không tự di chuyển, tháo dỡ, UBND xã Thủy Sơn sẽ tháo dỡ.

Do bà Huyền không có ở nhà nên tổ công tác đã yêu cầu ông Vũ Văn Thăng là người giúp việc cho gia đình bà Huyền ký vào biên bản.

Khi bà Huyền vẫn chưa trở về, đến 14h30 ngày 9/1, tổ công tác của UBND xã Thủy Sơn tiếp tục đến gia đình bà Huyền để lập biên bản khi những người làm thuê cho gia đình bà đang gắn, đặt những bức vách đá lên vỉa hè trước cửa nhà. Tổ công tác yêu cầu gia đình bà Huyền phải tháo dỡ ngay công trình vi phạm.

Đến 16h30, cùng ngày, khi thấy phần công trình vi phạm chưa được tháo dỡ, UBND xã Thủy Sơn đã lập tổ công tác tiến hành "cưỡng chế", đưa máy cẩu đến dỡ các bức vách đá. Đến 18h30 cùng ngày, việc cưỡng chế được hoàn thành và được ghi vào biên bản.

Hải Phòng: Cần xem xét lại quyền lợi của người dân khi bị cưỡng chế - Ảnh 1.

Hải Phòng: Cần xem xét lại quyền lợi của người dân khi bị cưỡng chế - Ảnh 2.

Chính quyền xã Thủy Sơn cưỡng chế vì phạm nhà bà Huyền

"Nhiều năm nay, trên phần diện tích 2 bên vỉa hè đường bao phía bắc hầu như gia đình nào cũng lấn chiếm vỉa hè, tại sao UBND xã Thủy Sơn chỉ cưỡng chế mỗi gia đình tôi? Nói gia đình tôi xây dựng trên vỉa hè là không đúng, đó chỉ là tượng và các bức vách bằng đá mỹ nghệ, tôi chỉ cho người đặt xuống vỉa hè.

Mặt khác, chính quyền làm như vậy là thể hiện sự tắc trách, tôi nhận thức được việc gia đình đã lấn chiếm vỉa hè, đó là việc làm không đúng pháp luật. Nhưng chính quyền lại sai về mặt thủ tục hành chính. Trước khi tiến hành cưỡng chế, việc đầu tiên là phát hiện sai phạm và lập biên bản, điều này UBND xã Thủy Sơn do bà Lê Thị Mai đứng đầu đã làm. Tuy nhiên, bà Mai đã "làm tắt" quá nhiều công đoạn khiến gia đình tôi không kịp trở tay.

Theo đó, nếu sai phạm của gia đình tôi chưa được khắc phục, chính quyền phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời đưa ra một khoảng thời gian là bao nhiêu ngày để gia đình khắc phục. Đằng này, quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được đưa ra, chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ kể từ khi lập biên bản vi phạm, và Mai đã cho lực lượng tới cưỡng chế", bà Huyền bức xúc.

Hải Phòng: Cần xem xét lại quyền lợi của người dân khi bị cưỡng chế - Ảnh 3.

Hải Phòng: Cần xem xét lại quyền lợi của người dân khi bị cưỡng chế - Ảnh 4.

Vi phạm trật tự vỉa hè khác trên cùng tuyến đường nhưng không được xử lý

Vẫn theo bà Huyền, vì bà không có nhà ở thời điểm đó, chỉ có người giúp việc nên trong khoản thời gian quá ngắn, bà không thể về để thuê người tháo dỡ phần công trình vi phạm được, chính quyền phải gia hạn việc tháo dỡ cho gia đình vài ngày chứ không thể ngay lập tức tự nguyện hoàn thành tháo dỡ.

Bà Huyền cho biết thêm, dù trong biên bản có ghi việc tháo dỡ không làm hư hỏng đến tài sản, nhưng thực tế một số bức mỹ nghệ bằng đá đã bị sứt mẻ, nếu để gia đình có thời gian di chuyển sẽ không xảy ra việc này. Mặt khác, sau khi tháo dỡ phần vi phạm, chính quyền không đưa về trụ sở UBND xã mà để… ngay lên phần vỉa hè khu đất bên cạnh, không khác gì "đánh bùn sang ao".

Đồng thời, bà Huyền đã kiến nghị, tố cáo việc làm của bà Mai và tổ công tác đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Bà Huyền cho rằng, việc làm của chính quyền xã Thủy Sơn là vi phạm luật xử lý vi phạm hành chính, làm hư hỏng tài sản của gia đình bà và yêu cầu cần được xử lý.

Liên quan đến sự việc trên, bà Lê Thị Mai, Chủ tịch UBND xã Thủy Sơn cho biết: Vi phạm trật tự vỉa hè của gia đình bà Huyền là do dư luận phản ánh, từ đó chính quyền xã đã tới ghi nhận và tiến hành cưỡng chế. "Việc này tôi đã xin chỉ đạo của lãnh đạo huyện Thủy Nguyên và được đồng ý nên mới làm", bà Mai nói.

Khi được hỏi, ngoài vi phạm vỉa hè của gia đình bà Huyền đã và đang được xử lý, các trường hợp vi phạm trật tự vỉa hè ở đường bao phía bắc có được xử lý không, bà Mai cho hay: Chúng tôi đang lên kế hoạch.

Thiết nghĩ, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, khi công dân vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự vỉa hè thì việc cưỡng chế sẽ được thực thi khi công dân không tự khắc phục hậu quả. Nhưng việc cưỡng chế này quá vội vàng, làm cho có, không theo quy trình, gây thiệt hại cho người dân thì việc cưỡng chế có thực sự đạt được mục đích?

PV
Ý kiến của bạn