Tỉ lệ cơ quan công khai thông tin trên các cổng thông tin điện tử còn hạn chế
Hội thảo chỉ ra rằng các tính năng phục vụ trải nghiệm của người dùng như tìm kiếm thông tin, hướng dẫn tìm kiếm thông tin, tiếp nhận và giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin của người dân, đánh giá chất lượng thông tin được cung cấp, chia sẻ ý kiến, gửi góp ý trực tuyến còn hạn chế.
Sáng 30/11, đại diện của Văn phòng UBND tỉnh, Sở tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia hội thảo "Thúc đẩy cung cấp thông tin và tương tác giữa người dân và chính quyền địa phương qua các cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước" do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức.
Tại hội thảo, các đại biểu được hướng dẫn triển khai cung cấp thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 42/NĐ-CP, ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng (Nghị định số 42); lắng nghe các ý kiến tham vấn của các bên liên quan về thực thi hiệu quả cho Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 42; các địa phương chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn nhằm thúc đẩy cung cấp thông tin và tương tác giữa người dân và chính quyền địa phương qua các cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
Thông tin tại buổi hội thảo cho hay: Tư duy cung cấp dịch vụ chưa được áp dụng triệt để đối với vấn đề cung cấp thông tin và tương tác với người dân trên các cổng/trang thông tin điện tử (TTĐT) của chính quyền địa phương. Các cổng/trang TTĐT mới dừng lại ở việc cung cấp các thông tin do các cơ quan nhà nước tạo ra và nắm giữ, nhưng chưa bảo đảm tính đầy đủ, cập nhật, và có tính hệ thống. Các tính năng phục vụ trải nghiệm của người dùng như tìm kiếm thông tin, hướng dẫn tìm kiếm thông tin, tiếp nhận và giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin của người dân, đánh giá chất lượng thông tin được cung cấp, chia sẻ ý kiến, gửi góp ý trực tuyến còn hạn chế.
Đối với việc cung cấp thông tin trên các cổng/trang TTĐT, khảo sát của Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực Phụ nữ (CEPEW) cho thấy tỷ lệ cơ quan công khai quy chế và đầu mối cung cấp thông tin còn hạn chế. Ở cấp trung ương, 48,1% cơ quan đã công khai đầu mối, và 40,7% đã công khai quy chế cung cấp thông tin. Ở cấp địa phương, 9,5% Uỷ ban Nhân dân (UBND) cấp tỉnh đã công khai đầu mối, và 3,2% đã công khai quy chế cung cấp thông tin. Sở Tư pháp đạt tỷ lệ cao nhất ở cấp tỉnh, nhưng đều dưới 40%.
Đánh giá từ góc độ trải nghiệm của người dùng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) nhận xét các cổng TTĐT cấp tỉnh chưa thành công trong việc "giữ chân" người dùng. Số liệu cho thấy 80% các cổng TTĐT cấp tỉnh chỉ giữ chân người dùng được 2,79 phút. Bình quân, 62,42% rời đi ngay sau khi vừa truy cập.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) khẳng định, Bộ TTTT cần nghiên cứu phương án để thống nhất kênh lưu trữ văn bản, thay vì phân tán như hiện tại. Đồng thời, để chia sẻ thông tin được hiệu quả, bảo đảm tương tác hai chiều, ông Đồng nhấn mạnh cần tận dụng các kênh mạng xã hội và tiến tới phát triển các ứng dụng thông minh tích hợp như Huế S, Tây Ninh Smart.
Nhật HàBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.