Tiềm ẩn nguy cơ hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử
Việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử ngày càng trở thành thói quen của người tiêu dùng, nhất là sau dịch COVID-19, bởi những tiện ích mà sàn thương mại điện tử mang lại là rất lớn cho cả nhà phân phối sản phẩm và người tiêu dùng. Tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro về nguy cơ hàng giả, hàng nhái.
Theo Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự kiến con số này sẽ tiếp tục đạt 39 tỷ USD vào năm 2025. Điều này cho thấy sự phát triển nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử, song cùng với sự phát triển này, thực trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường ngày càng diễn biến phức tạp và khó kiểm soát hơn.
Chị Đoàn Ngọc Linh, KĐT Đại Thanh, Hà Nội cho hay: "Sau thời gian dịch COVID-19, tôi ít đến các siêu thị, trung tâm mua sắm hơn, thay vào đó, tôi có thói quen mua hàng trên các trang thương mại điện tử, từ đồ gia dụng, quần áo đến thực phẩm,… do sự tiện lợi của mua online, đỡ mất công đi lại".
Còn chị Trần Minh Tâm ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: "Chị có đặt mua cái váy 390 nghìn đồng qua ứng dụng thương mại điện tử nhưng khi nhận váy lại không đúng với mô tả về hình ảnh cũng như chất liệu. Chiếc váy chị nhận về chỉ đáng giá 150 nghìn đồng như hàng đổ đống ngoài chợ". Bức xúc với việc nhận hàng không đúng với mô tả sản phẩm, chị Tâm đã liên hệ lại đơn vị bán nhưng không nhận được phản hồi tích cực.
Anh Đào Quang Tuấn một nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ: "Mình có đặt mua một nồi cơm điện của hãng có tên tuổi trên trang thương mại điện tử và 2 ngày sau mình nhận được cuộc gọi tự xưng là bên chuyển phát đến giao đồ. Mình cũng chủ quan nghĩ bên cửa hàng hãng giao nên không kiểm tra lại, khi bóc hàng mình mới tá hỏa không phải sản phẩm mình đặt mà là sản phẩm khác, của 1 đơn vị khác giao. Liên hệ lại thì thuê bao không liên lạc được. Rõ ràng, thông tin đặt hàng của mình đã bị rò rỉ".
Theo các chuyên gia, ước tính hiện mỗi sàn giao dịch thương mại điện tử có khoảng 6.000 thương hiệu và hàng nghìn đối tác kinh doanh đa dạng các mặt hàng. Các sàn giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki,… chủ yếu cho thuê "gian hàng" online. Điều đó đồng nghĩa với sản phẩm không về kho chứa của bất kỳ sàn giao dịch nào nên rất khó phát hiện được hàng hóa vi phạm. Trong khi, các sàn thương mại điện tử cũng chỉ mới rà soát yêu cầu người bán cung cấp thông tin hợp lệ nên các đối tượng, tổ chức buôn bán hàng giả, hàng nhái có rất nhiều cách để lách luật và lẩn tránh sự truy vết của cơ quan chức năng.
Vậy người tiêu dùng cần làm gì để hạn chế mua phải hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử?
Người tiêu dùng nên lựa chọn mua hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử có uy tín, đặc biệt là các sàn TMĐT đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động. Khi mua hàng cần kiểm tra hàng hóa trước khi nhận và lựa chọn mua sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, minh bạch.
Có thể thấy, việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử là một "bài toán" đối với cơ quan quản lý. Thực tế cũng cho thấy, ngay cả một mô hình kinh doanh hiện hữu đang có hay còn gọi là kinh doanh offline thì việc quản lý chất lượng hàng hóa cũng là thách thức.
PVCác nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.