Tiềm ẩn nhiều hệ lụy từ những phiên đấu giá bất thường quyền khai thác khoáng sản
Chuyên gia cho rằng việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường, có thể tạo ra hiệu ứng đối với thị trường vật liệu xây dựng. Chưa kể gây tác động xấu, lãng phí thời gian, tiền bạc và cả cơ hội đầu tư của rất nhiều doanh nghiệp...
Vừa qua, UBND TX Điện Bàn cho biết, địa phương đã phối hợp với Công ty Đấu giá Hợp danh Hòa Thuận thông báo đấu giá tài sản: Quyền khai thác khoáng sản cát xây dựng, tại điểm mỏ ĐB2B, xã Điện Thọ, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Loại khoáng sản được đấu giá là cát xây dựng, diện tích: 6,04ha, trữ lượng mỏ theo kế hoạch phê duyệt: 159.000m3, giá khởi điểm: R = 5%, bước giá: 16%R = 0,8%, tiền đặt trước: 242,8 triệu đồng. Theo đó, sau khi trải qua 200 vòng đấu, bắt đầu từ sáng ngày 18/10 và kết thúc lúc 4h08 sáng nay (19/10), mỏ cát được chốt giá 370 tỷ đồng, ở mức tăng 1.534,6% so với giá khởi điểm. Doanh nghiệp trúng thầu có trụ sở tại TP Đà Nẵng.
Sự việc khiến nhiều đơn vị tham gia đấu giá và các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh khai thác khoáng sản bất ngờ. Theo những đơn vị này, với mức giá 370 tỷ đồng cho 159 nghìn m3 là quá cao. Nhiều ý kiến cho rằng, với mức giá tăng cao bất thường liệu rằng có đảm bảo lợi nhuận cho đơn vị trúng thầu, tác động thế nào đến giá vật liệu xây dựng tại địa phương.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ông đã tiếp nhận thông tin này và đã chỉ đạo cho cơ quan chức năng vào cuộc xem xét việc đấu giá này có đúng theo luật đấu giá hay không, nếu có vi phạm các quy định đấu thầu thì xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Thực tế cho thấy, thời gian qua tại nhiều địa phương trên cả nước, sau khi tham gia đấu giá với giá cao ngất ngưỡng, rất nhanh sau đó, các doanh nghiệp này trả mỏ, bỏ cọc. Điều này đã gây tác động xấu, lãng phí thời gian, tiền bạc và cả cơ hội đầu tư của rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tham gia đấu giá thật.
Mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã có quy định, nếu trúng đấu giá mà bỏ thì mất tiền cọc. Nhưng so với việc bỏ ra số tiền khổng lồ, phi thực tế, chịu lỗ rất lớn thì nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận bỏ cọc để giảm bớt thiệt hại cho mình. Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp lợi dụng việc đấu giá để làm hình ảnh, tác động xấu đến thị trường sau đó bỏ kết quả đấu giá.
Các chuyên gia cho rằng, nếu các doanh nghiệp, cá nhân cố tình tham gia đấu giá "ảo" các mỏ khoáng sản sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho thị trường vật liệu xây dựng. Hệ luỵ đầu tiên là gây nên sự lũng đoạn, xáo trộn, gây dư luận không tốt và không lành mạnh trong cả nước… Từ việc đấu giá "ảo" cũng có thể dẫn đến giá vật liệu xây dựng tăng cao và người gánh chịu hậu quả lại chính là Nhà nước và người dân. Bởi hiện nay nguồn vật liệu cát sỏi đang khan hiếm trầm trọng trong khi nhu cầu sử dụng của nhà nước và người dân rất lớn.
Việc vật liệu xây dựng cát sỏi đang khan hiếm trầm trọng thì việc đấu giá các mỏ khoáng sản với giá ảo sẽ có nguy cơ dẫn đến việc giá bán vật liệu xây dựng bị đẩy lên cao, muốn bán giá nào thì bán, người dân rồi Nhà nước cũng phải chấp nhận. Vậy nên các quy định về giá vật liệu là rất quan trọng. Một góc độ khác nữa cũng cần quan tâm đó là khi trúng đấu giá cao thì người trúng đấu giá sẽ bằng mọi cách để thu hồi lại tiền bằng cách khai thác tận thu. Từ đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
Thực tế cho thấy, các vụ đấu giá cát giá cao bất thường thời gian qua không phải là hy hữu. Để tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, xây dựng một môi trường lành mạnh, thiết nghĩ, chính quyền các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục của địa phương và các cơ quan ban, ngành chức năng liên quan.
Quản lý chặt chẽ việc cấp phép khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo nhu cầu vật liệu phục vụ cho các dự án đầu tư công, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và của người dân; kịp thời phản ánh các vi phạm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm.
Năm 2023, vụ đấu giá 3 mỏ cát cao bất thường, trị giá gần 1.700 tỷ đồng tại Hà Nội khiến dư luận sửng sốt. Theo đó, kết thúc phiên đấu giá "xuyên đêm", 3 mỏ cát này đã được "đôn" giá cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm.
Trước sự lo lắng, quan ngại của giới chuyên gia và người dân, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Rà soát kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có biểu hiện bất thường, kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Công điện đã nhấn mạnh, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.