Tiềm năng phát triển mô hình ESCO tại Việt Nam
Việt Nam có rất nhiều điều kiện để phát triển thị trường kinh doanh dịch vụ năng lượng (ESCO), bởi đây thực sự là thị trường tiềm năng, do năng lực nội tại tốt; sẵn có vốn để tạo dựng ESCO...
Tại hội thảo “Hợp tác xây dựng lộ trình thành lập Hiệp hội ESCO tại Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 23/7, ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch Hội khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA), cho biết theo số liệu điều tra, khảo sát của VECEA, Việt Nam hiện có trên 200 tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng.
Có 3 loại hình tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tiết kiệm năng lượng, gồm: Tổ chức công lập; doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài (chưa có số liệu thống kê).
Theo ông Hiệp, Việt Nam có rất nhiều điều kiện để phát triển thị trường ESCO, bởi đây thực sự là thị trường tiềm năng, do năng lực nội tại tốt; sẵn có vốn để tạo dựng ESCO; có thị trường hỗ trợ cho công nghệ hiệu quả năng lượng; có mối quan hệ tốt với ngành công nghiệp; lịch sử trả nợ ngân hàng – khách hàng tốt.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có nhóm khách hàng tiềm năng. Khách hàng có thể có năng lực, có con người nhưng không có thời gian, ESCO có thể cung cấp nguồn lực nếu cần.
Hơn nữa, hiện tại, khách hàng thường không có nhiều kiến thức về các công nghệ tiết kiệm năng lượng, trong khi ESCO có chuyên môn trong việc giới thiệu và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng.
Không chỉ vậy, khách hàng ít ưu tiên đầu tư vốn vào tiết kiệm năng lượng. Họ ít khi sử dụng năng lực tín dụng của mình để đầu tư cho tiết kiệm năng lượng so với các hoạt động kinh doanh cốt lõi khác.
Để phát triển thị trường ESCO, ông Hiệp khuyến nghị cần hoàn thiện thể chế, hành lang pháp luật cho tổ chức, doanh nghiệp hoạt động ESCO. Bao gồm: chi tiết các quy định về điều kiện kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh (đầu tư thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng, cho thuê hạ tầng, cung cấp năng lương, thu xếp vốn, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro đầu tư, cơ chế huy động vốn...).
Đồng thời, xây dựng cơ chế tài chính bền vững như vay lãi suất thấp, gây quỹ, và quỹ bảo lãnh; thiết lập các kênh hợp tác với các tổ chức tài trợ và các quỹ. Xây dựng mô hình liên kết tài chính giữa doanh nghiệp - Công ty ESCO và các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, chúng ta cần trao quyền tự chủ về tài chính cho các tổ chức tư vấn, dịch vụ tiết kiệm năng lượng tại địa phương; xây dựng cơ chế phân bổ nguồn lực từ các quỹ đầu tư cho các tổ chức tư vấn/dịch vụ để đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng.
Xây dựng các Chương trình công nhận hoặc Chứng nhận chính thức cho ESCO giúp nâng cao uy tín ESCO với các cơ quan nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch dự án hiệu quả năng lượng, quá trình thực hiện phải minh bạch và không tạo ra rào cản nào đối với thị trường dịch vụ hiệu quả năng lượng.
Mô hình kinh doanh ESCO là mô hình trong đó, đơn vị cung cấm dịch vụ năng lượng ESCO (Energy Service Company) sẽ cùng thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng với doanh nghiệp.
Tham gia vào mô hình kinh doanh ESCO, doanh nghiệp giảm thiểu được các rủi ro nhưng vẫn có thể tiết kiệm năng lượng, trong khi các đơn vị ESCO có thể tăng lợi nhuận nhờ vào sự chia sẻ lợi ích từ tiết kiệm năng lượng.
Đơn vị ESCO và doanh nghiệp sẽ có mối gắn kết chặt chẽ và liên tục trong cả quá trình thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng và lợi ích đem lại cho các đơn vị phụ thuộc vào lượng năng lượng tiết kiệm được.
Kinh doanh ESCO là mô hình kinh doanh khá mới với Việt Nam, tuy nhiên mô hình này đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới.
VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.