Tiềm năng tăng giá của cổ phiếu dầu khí khi giá dầu Brent gần ngưỡng 80 USD/thùng

Doanh nghiệp - Doanh nhân
06:45 AM 01/10/2021

Bất chấp những khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp dầu khí trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh, VNDIRECT tin rằng đà tăng mạnh của giá dầu hiện nay sẽ không chỉ thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà còn cải thiện nền tảng cơ bản của ngành trong những năm tới.

Trong báo cáo ngành dầu khi mới nhất, CTCK VNDIRECT cho biết giá dầu Brent đã leo lên mức 79 USD/thùng trong tháng 9. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2018, tương ứng tăng 52,5% so với đầu năm và tăng gần 88% so với mức giá trung bình năm 2020 (~42 USD/thùng). 

Đà tăng giá ấn tượng này đến từ sự phục hồi trong nhu cầu dầu thô thế giới sau đại dịch sau khi chiến dịch tiêm chủng giúp các nền kinh tế được mở cửa trở lại. Đà tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc cùng với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ sẽ là động lực chính cho sự phát triển của kinh tế thế giới sau đại dịch, từ đó thúc đẩy nhu cầu dầu thô toàn cầu. 

Báo cáo trích dự báo của EIA cho rằng, nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng 5 triệu thùng/ngày trong năm 2021, lên mức trung bình 97,4 triệu thùng/ngày trước khi đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày vào năm 2022 - gần tương đương nhu cầu dầu thô trước đại dịch.

Tiềm năng tăng giá của cổ phiếu dầu khí khi giá dầu Brent gần ngưỡng 80 USD/thùng - Ảnh 1.

Đồng thời, trong bối cảnh giá khí tăng cao, dầu thô sẽ được lựa chọn là giải pháp thay thế khả thi nhất, dẫn tới kỳ vọng đây sẽ là động lực tăng giá đối với thị trường dầu thô trong mùa đông này. Xác suất xảy ra kịch bản này lớn hơn rủi ro giảm nhu cầu toàn cầu đến từ một làn sóng COVID-19 tương tự như biến chủng Delta. 

Trong khi đó nguồn cung lại phản ứng chậm trong 9 tháng đầu năm 2021 do OPEC thận trọng trong việc tăng sản lượng và sự phục hồi chậm của ngành dầu mỏ Mỹ. VNDIRECT cho rằng nguồn cung sẽ không tăng đủ nhanh để bắt kịp với sự phục hồi nhu cầu dầu thô toàn cầu, tạo ra khoảng chênh lệch thiếu hụt có thể hỗ trợ cho giá dầu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, rủi ro cho giá dầu có thể xuất phát từ phía nguồn cung, xuất phát từ các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran có thể dẫn đến sự quay trở lại của Iran với vai trò là nhà cung cấp thêm khoảng 2,1 triệu thùng/ngày.

Tiềm năng tăng giá của cổ phiếu dầu khí khi giá dầu Brent gần ngưỡng 80 USD/thùng - Ảnh 2.

Cổ phiếu dầu khí sẽ diễn biến như thế nào theo đà tăng giá dầu?

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu dầu khí rất nhạy cảm với giá dầu Brent. Bất chấp những khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp dầu khí trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh, VNDIRECT tin rằng đà tăng mạnh của giá dầu hiện nay sẽ không chỉ thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà còn cải thiện nền tảng cơ bản của ngành trong những năm tới.

Tiềm năng tăng giá của cổ phiếu dầu khí khi giá dầu Brent gần ngưỡng 80 USD/thùng - Ảnh 3.

Nguyên nhân xuất phát từ việc giá dầu tăng có thể mang lại nhiều động lực hơn cho các đơn vị liên quan để tái khởi động những dự án lớn tại Việt Nam, đầu tiên sẽ là các ngành thượng nguồn như Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) và Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS). 

Đơn cử như tất cả các giàn khoan tự nâng của PVD đều đã ký hợp đồng trong 6 tháng cuối năm, cho thấy hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) tại Việt Nam đang được đẩy mạnh nhờ đà tăng giá hiện nay. Đáng chú ý, giá dầu Brent trong nội địa đang duy trì trên 60 USD/thùng là điều kiện thuận lợi để hoạt động E&P hoạt động hiệu quả. Theo đó, giá dầu Brent trung bình được kỳ vọng sẽ dao động quanh mức 70 USD/thùng trong giai đoạn 2021 - 2023.

Đối với Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (mã CK: GAS), VNDIRECT tự tin về triển vọng của công ty nhờ kỳ vọng về giá dầu, nhu cầu cấp thiết về khí tự nhiên trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng ở Việt Nam, và công ty hiện đang trong giai đoạn đầu tư lớn, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng của công ty trong dài hạn. VNDIRECT dự báo tăng trưởng kép lợi nhuận ròng của GAS đạt 18,3% trong giai đoạn 2021-2023.

Yếu tố giá dầu kỳ vọng ở mức cao có thể kéo theo việc điều chỉnh tăng giá thuê, VNDIRECT kỳ vọng lợi nhuận từ các đơn vị liên doanh sẽ đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã CK: PVS) trong ngắn hạn. Trong khi đó, giá dầu mạnh cũng sẽ tạo động lực cho các chủ mỏ cũng như các cơ quan chức năng khởi động các dự án mỏ khí trọng điểm như Lô B - Ô Môn, Cá Voi Xanh, qua đó đem đến lợi ích lâu dài cho PVS. Trong giai đoạn 2021 -2023, tăng trưởng kép lợi nhuận ròng của PVS được dự báo ở mức 19,7%.

VNDIRECT đánh giá giá cổ phiếu PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí đã lệch nhịp so với diễn biến giá dầu trong thực tế, chủ yếu do thị trường khoan vẫn ảm đạm bởi diễn biến phức tạp của đại dịch. 

Tuy nhiên, báo cáo vẫn kỳ vọng thị trường khoan trong khu vực sẽ ấm dần lên, giúp hiệu suất sử dụng giàn tự nâng của PVD phục hồi từ quý 3/2021 trở đi, đặc biệt là từ 2022 khi các giàn khoan của PVD có thể trở lại hoạt động ở nước ngoài như năm 2019. Đáng chú ý, việc giàn TAD dự kiến hoạt động trở lại từ quý 4 sau hơn 4 năm tạm dừng hoạt động sẽ mở ra một giai đoạn mới cho PVD trong những năm tới.

Tiềm năng tăng giá của cổ phiếu dầu khí khi giá dầu Brent gần ngưỡng 80 USD/thùng - Ảnh 4.
Phương Linh
Ý kiến của bạn