Tiềm năng tăng trưởng của thị trường dữ liệu Việt Nam
Việt Nam là một thị trường khá mới trong cuộc đua chuyển đổi số. Dù chưa phát triển mạnh trong lĩnh vực dữ liệu lớn (Big Data), nhưng Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng dữ liệu rất lớn.
Thị trường dữ liệu hấp dẫn các nhà đầu tư
Thị trường dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng khi Việt Nam hướng tới nền kinh tế chuyển đổi số.
Năm 2020, thị trường dữ liệu của Việt Nam được định giá 858 triệu USD và dự kiến đạt 1,82 tỷ USD vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường dự kiến là 5,32% trong giai đoạn 2023-2027. Chỉ số này phù hợp với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện mà Việt Nam quyết tâm thực hiện - một phần trong "cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Điểm đáng chú ý nữa là thị trường dữ liệu ở Việt Nam hiện chủ yếu do các công ty nước ngoài nắm giữ, chiếm khoảng 70-80% thị phần. Các công ty nội địa lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ khác chiếm 20% còn lại.
Những con số trên chứng tỏ thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đang trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thị trường này thu hút đầu tư nhằm đáp ứng xu hướng số hóa, đẩy mạnh kinh tế số, phát triển mạnh thương mại điện tử cũng như đón nhu cầu tăng cao do áp dụng những chính sách quản lý mới.
Mới đây, Công ty Cổ phần VNG đã đưa vào vận hành một tâm dữ liệu mới ở khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM có quy mô 7.800 m2 và tổng diện tích sàn sử dụng 12.400 m2. Trung tâm dữ liệu này cung cấp các giải pháp hạ tầng cho cả khách hàng lẫn nhu cầu từ nội bộ của VNG. Bước đầu, VNG Data Center sẽ cung cấp 410 tủ rack (tủ lắp đặt máy chủ), sau đó sẽ mở rộng lên đến 1.600 tủ rack để đáp ứng kịp thời sự tăng trưởng được kỳ vọng là mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số. Đây là trung tâm dữ liệu thứ 2 được VNG đầu tư tại Việt Nam.
Tháng 10 năm ngoái, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud, bao gồm trung tâm dữ liệu. Theo đó, Viettel Cloud sở hữu hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam với 13 trung tâm, quy mô hơn 9.000 tủ rack trên 60.000 m2 mặt sàn.
Viettel cho biết, tới năm 2025 Viettel Cloud sẽ được đầu tư thêm 10.000 tỉ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Theo lộ trình, tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỉ đồng với quy mô 34.000 rack.
Tháng 8 năm ngoái, CMC Telecom đã khai trương Data Center Tân Thuận, TP.HCM có tổng diện tích hơn 13 ngàn m2 với hệ thống 1.200 tủ rack. Ngoài trung tâm dữ liệu này, CMC Telecom còn sở hữu 2 trung tâm dữ liệu khác đặt tại CMC Tower (Hà Nội) và SHTP (TP.HCM).
Thị trường trung tâm dữ liệu không chỉ thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp nội mà còn thu hút cả nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Mới đây, công ty trung tâm dữ liệu của Úc, Edge Centres, đã mở rộng sang châu Á, với việc triển khai trung tâm dữ liệu đầu tiên có tên EC51 tại TP.HCM với sự cộng tác của Đại học Quốc gia Việt Nam.
Còn GAW Capital (Hồng Kông) đã mua lại khu đất xanh tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn tại TP.HCM để hình thành trung tâm dữ liệu dự kiến rộng hơn 18 ngàn m2 sẽ vận hành vào năm 2024. NTT GDC (Nhật Bản) và một công ty của Việt Nam là Quang Dũng Technology (QD.Tek) đã cùng phát triển một trung tâm dữ liệu mới đặt tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn với tổng vốn đầu tư 56 triệu đô la Mỹ với diện tích sàn gần 17 ngàn m2, dự kiến đi vào hoạt động năm 2024.
Với các sáng kiến của Chính phủ và nhu cầu ngày càng tăng trong các ngành công nghiệp của Việt Nam, nhiều triển vọng kinh doanh đang chờ đón các công ty CNTT-TT có kế hoạch thâm nhập thị trường này.
Ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật thiết yếu
Tại diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức gần đây, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC cho rằng: "Kinh tế số thế giới có quy mô lớn nhưng mới chỉ ở mức tiềm năng và đây là cơ hội của Việt Nam".
Để phát triển kinh tế số tại Việt Nam nói chung và thị trường dữ liệu nói chung, phải ưu tiên phát triển các hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, trong đó có hạ tầng điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu. Do đó, cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào hạ tầng kinh tế số. Chính sách ưu đãi liên quan đến mặt bằng đất đai, thuế phí và thủ tục hành chính minh bạch, nhanh chóng… Ngoài ra, cũng cần khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ trong nước, có thể theo hình thức đặt hàng sử dụng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thay vì tự đầu tư, vận hành các trung tâm dữ liệu nhỏ thì hãy chuyển sang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây với chi phí hợp lý, tối ưu, đảm bảo an toàn an ninh mạng…
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi có nhu cầu cũng nên nghiên cứu, lựa chọn các đơn vị cung cấp các dịch vụ Cloud Việt Nam cung cấp, để đáp ứng yêu cầu, bảo vệ an toàn dữ liệu và chủ quyền số , thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp số Việt Nam.
An Mai (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.