Tiêm vaccine phòng COVID-19, cả nước đạt gần 130 triệu liều
Con số thông kê trên Cổng thông tin tiêm chủng sáng 8/12 cho thấy cả nước đã tiêm được 129.505.781 liều vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Cập nhật đến 13h30 ngày 8/12, cả nước đã tiêm gần 130 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Tỉ lệ bao phủ 1 liều vaccine cả nước đạt 95,6%
Thống kê công tác tiêm chủng cụ thể đến ngày 6/12 của Bộ Y tế cho thấy số liều vaccine tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đạt hơn 122,477 triệu liều, trong đó có gần 69 triệu liều mũi 1 và 53.497.637 liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine đạt 95,6% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều là 74,2% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Theo khu vực, tỉ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 91,4% và 66,7%; miền Trung là 92,4% và 69,3%; Tây Nguyên là 94,4% và 57,3%; miền Nam là 99,2% và 83,9%.
Có 59 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine phòng COVID-19 cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 28 tỉnh đạt tỷ lệ trên 95% Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Lào Cai, Điện Biện, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.
4 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine dưới 80% dân số từ 18 tuổi trở lên là Yên Bái (73,4%), Hà Giang (78,0%), Cao Bằng (78,6%) và Nghệ An (78,7%). Bộ Y tế đã phân bổ vaccine cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.
Hiện đã có 57 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 37 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 90% là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Điện Biên, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long và Cà Mau.
Về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đã có 49 tỉnh, thành phố đang triển khai và đã tiêm được gần 5,450 triệu liều, trong đó có hơn 4,511 triệu liều mũi 1 và 938.525 liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine ở lứa tuổi này 49,4 % và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 10,3%.
Về tiêm vaccine liều bổ sung, nhắc lại
Ngày 1/12, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan về việc tiêm vaccine liều cơ bản và liều nhắc lại.
Về liều vaccine nhắc lại theo Bộ Y tế, là nhằm tăng cường miễn dịch phòng COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản (có quy định cụ thể).
Trước nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đốc thúc các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền) ngay khi được phân bố vaccine.
Cùng với đó, các địa phương rà soát và khẩn trương hoàn thành việc tiêm chủng đủ liều cơ bản với các trường hợp từ 18 tuổi trở lên; triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Công văn số 10225/BYT-DP ngày 1/12/2021)
Hiện nay, một số địa phương đã có kế hoạch tiêm vaccine liều bổ sung, nhắc lại. Tại TPHCM, ngày 7/12, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức ký văn bản ban hành kế hoạch tổ chức tiêm vaccine liều bổ sung và nhắc lại trên địa bàn. Thời gian triển khai từ ngày 10/12.
UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 từ tháng 12/2021 cho hơn 782.000 người dân từ 18 tuổi trở lên.
Tại Sóc Trăng, kế hoạch tiêm vaccine mũi thứ 3 cũng được triển khai trong tháng 12. Theo Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng, có gần 969.000 người đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản sẽ được tiêm liều tăng cường hoặc mũi thứ 3.
Xử trí thế nào khi có người nghi mắc COVID-19?
Bộ Y tế đã có Quyết định 5619/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng".
Theo hướng dẫn mới này, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng...phải có kế hoạch, phương án phòng, chống dịch COVID-19 cụ thể.
Các đơn vị này cũng phải công khai tên, số điện thoại của cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch để người lao động/làm việc, người bán hàng và khách hàng biết, liên hệ khi cần thiết. Tạo mã QR hoặc tờ khai y tế để kiểm dịch và trang bị khẩu trang, nước rửa tay tại lối vào khu dịch vụ.
Tại Quyết định này, Bộ Y tế cũng đưa ra hướng dẫn cho nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… khi phát hiện người có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở.
Đó là thông báo cho cán bộ quản lý nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại... và cán bộ y tế phụ trách địa bàn. Cán bộ quản lý/cán bộ y tế cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn người nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 đeo đúng cách.
Người nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 1 mét với những người khác. Đơn vị quản lý nhà hàng, siêu thị... đưa người nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 đến khu vực cách ly tạm thời đã được bố trí tại chỗ. Yêu cầu đối với nơi cách ly tạm thời là bố trí tại khu vực riêng, gần cổng ra vào, tách biệt với khu vực các gian hàng (nếu có thể).
Ngoài ra, đơn vị quản lý phải gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 1900 9095) hoặc cơ quan y tế theo quy định của địa phương để được tư vấn và nếu cần thì đến cơ sở y tế khám và điều trị.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển người nghi ngờ mắc COVID-19 đến cơ sở y tế. Đồng thời, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… phát hiện có người nghi nhiễm phải lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại chỗ khi cơ quan y tế yêu cầu.
HM (T/h)Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.