Tiền đề để thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn
Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ phát triển mạnh theo chiều sâu, tăng chất lượng và tính bền vững trong năm 2022.
- Thị trường được dự báo sôi động trong năm Nhâm Dần, công nghệ sẽ giúp người dân gần hơn với thị trường chứng khoán
- Thị trường sôi động, nhiều Công ty Chứng khoán lãi nghìn tỷ từ hoạt động cho vay margin
- Chứng khoán năm 2022 không còn "dễ ăn", đừng xuống tiền mua cổ phiếu nếu không trả lời được 3 câu hỏi này
Những tiền đề thúc đẩy thị trường phát triển
Dù chịu tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19, nhưng năm 2021 được đánh giá là một năm thành công của thị trường chứng khoán.
Cụ thể, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm tăng trưởng mạnh mẽ về thanh khoản, số lượng nhà đầu tư, chỉ số và vốn hóa thị trường, dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch và vốn hóa trên thị trường chứng khoán. Lần đầu tiên, theo thống kê của Liên đoàn các Sở GDCK Thế giới WFE, tỷ suất vòng quay chứng khoán của thị trường Việt Nam năm 2021 đạt gần 173%, vượt qua mức 99,8% của thị trường Thái Lan.
Năm 2021, thanh khoản thị trường cổ phiếu trên HOSE ghi nhận sự tăng trưởng với giá trị giao dịch và khối lượng giao dịch bình quân đạt trên 21.593 tỷ đồng và 737,29 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng 247,27% về giá trị và 120,43% về khối lượng bình quân so với năm 2020. Đặc biệt, vào ngày 23/12/2021, thị trường đã có phiên giao dịch kỷ lục với giá trị và khối lượng giao dịch lần lượt đạt trên 45.371 tỷ đồng và hơn 1,32 tỷ cổ phiếu.
Chỉ số Vn-Index cũng thiết lập đỉnh mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam với 1500.81 điểm vào ngày 15/11/2021, cao nhất trong 21 năm hoạt động.
Dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường trong năm qua duy trì ở mức ổn định với tổng giá trị giao dịch cổ phiếu đạt hơn 798 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,39% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường.
Những dấu ấn được tạo ra trong năm 2021 trên sẽ là những tiền đề quan trọng để thị trường chứng khoán phát triển mạnh hơn và bền vững hơn.
Thị trường phát triển bền vững theo chiều sâu
Bước sang năm 2022, với tư cách là cơ quan quản lý lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, để góp phần phát triển thị trường, Uỷ ban chứng khoán đã trình Bộ Tài chính về chiến lược phát triển 10 năm theo hướng đi vào chiều sâu. Trước đây, chúng ta hướng tới phát triển nhiều sản phẩm thì giờ chuyển sang tập trung về chất lượng, thể hiện bằng Luật Chứng khoán mới… Bên cạnh đó, kỳ vọng Sở Giao dịch Hà Nội sẽ có thêm sản phẩm hợp đồng tương lai không phụ thuộc chỉ số VN30.
Hiện Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán để trục lợi, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ sớm xây dựng, tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp để có thị trường giao dịch, đưa trái phiếu doanh nghiệp vào thị trường có tổ chức, giám sát, quản lý, có thông tin minh bạch, giảm thiểu rủi ro doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; đưa vào hoạt động Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, tăng cường hiệu quả hoạt động của Sở giao dịch HOSE, HNX, Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
Đặc biệt yếu tố công nghệ đã và sẽ đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của thị trường. Năm mới Nhâm Dần sẽ là năm các công ty chứng khoán tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ cho nhà đầu tư, giúp người dân gần hơn với thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, phía cơ quan quản lý cũng đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống giao dịch mới cho toàn bộ thị trường, giúp thanh khoản thị trường sẽ sôi động hơn.
Với những mục tiêu, giải pháp, vận hành đồng bộ, với sự đồng hành của cá nhân tổ chức liên quan, tin rằng thị trường chứng khoán năm 2022 và các năm tiếp theo sẽ bước vào giai đoạn mới - giai đoạn phát triển theo chiều sâu, chất lượng - đạt các mục tiêu Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đề ra.
Hoài ThươngTheo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.