Tiền Giang: Bàn giao đưa vào sử dụng cống âu Nguyễn Tấn Thành

Địa phương
04:28 PM 06/11/2024

Ngày 6/11, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ bàn giao đưa vào sử dụng cống âu Nguyễn Tấn Thành. Đây là cống ngăn mặn lớn thứ 2 ở miền Tây, sau cống Cái Lớn - Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang.

Theo ông Kiều Văn Công, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 cho biết, Cống âu Nguyễn Tấn Thành được khởi công ngày 11/11/2022 và hoàn thành ngày 11/11/2024 (24 tháng) với tổng số vốn 518 tỷ đồng. Cống âu Nguyễn Tấn Thành đã sớm phát huy hiệu quả ngay từ đầu mùa khô 2023-2024 và tiết kiệm kinh phí đắp đập cho địa phương tỉnh Tiền Giang khoảng 15 tỷ đồng/năm.

Tiền Giang: Bàn giao đưa vào sử dụng cống âu Nguyễn Tấn Thành- Ảnh 1.

Công trình Cống âu Nguyễn Tấn Thành tại tỉnh Tiền Giang hoàn thành vượt tiến độ sớm 1 tháng. Đây là cống ngăn mặn lớn thứ hai ở miền Tây, sau cống Cái Lớn - Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang.

Tiền Giang: Bàn giao đưa vào sử dụng cống âu Nguyễn Tấn Thành- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Lễ bàn giao đưa vào sử dụng cống âu Nguyễn Tất Thành.

Cống âu Nguyễn Tấn Thành là cống ngăn mặn, trữ ngọt lớn có khẩu độ cửa cống lớn nhất (40m) và quy mô lớn thứ 2 tại vùng ĐBSCL, chỉ sau cống Cái Lớn - Cái Bé. Đặc biệt, công trình còn có hạng mục âu thuyền dài 150m với 2 cửa và 4 khoang lấy nước. Khi cửa cống đóng ngăn mặn, âu thuyền này sẽ hoạt động giúp tàu, thuyền có thể qua lại. Công trình được đầu tư với mục tiêu tăng cường khả năng trữ nước ngọt, chủ động kiểm soát triều cường, xâm nhập mặn, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho vùng với diện tích khoảng 12.580ha của tỉnh Tiền Giang.

Tiền Giang: Bàn giao đưa vào sử dụng cống âu Nguyễn Tấn Thành- Ảnh 3.

Ông Vũ Viết Hưng, Phó Cục trưởng Cục xây dựng công trình - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang; Lãnh đạo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 và các đại biểu chụp ảnh bên công trình cống âu Nguyễn Tất Thành.

Đồng thời, tạo nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt trong khu vực, phục vụ cho khoảng 800.000 dân của tỉnh Tiền Giang. Cùng với 6 cống ngăn mặn tại các đầu kênh ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 vừa hoàn thành, cống âu Nguyễn Tấn Thành sẽ tạo nên hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt, ngăn triều cường khép kín, bảo vệ sản xuất và dân sinh cho nhân dân.

Tiền Giang: Bàn giao đưa vào sử dụng cống âu Nguyễn Tấn Thành- Ảnh 4.

Các đại biểu tham quan vận hành cống âu thuyền.

Tiền Giang: Bàn giao đưa vào sử dụng cống âu Nguyễn Tấn Thành- Ảnh 5.

Lãnh đạo Cục xây dựng công trình - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan Phòng SCADA (phòng giám sát, điều khiển và thu thập dữ liệu) cống âu Nguyễn Tấn Thành.

Trong mùa hạn, mặn 2023 - 2024, cống âu Nguyễn Tấn Thành đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt, giúp bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt cho 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. Khi công trình và các cống trong vùng dự án vận hành đồng bộ sẽ giảm được thiệt hại của người dân và xã hội sau mỗi năm bị tình trạng hạn hán xâm nhập mặn tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân vùng dự án với con số được thống kê thiệt hại rất lớn lên đến nhiều chục tỷ đồng, tạo niềm tin cho nhân dân góp phần an sinh xã hội, góp phần cùng với cả nước xây dựng nông thôn mới.

Tiền Giang: Bàn giao đưa vào sử dụng cống âu Nguyễn Tấn Thành- Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang trao Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang cho các cá nhân.

Trong dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho 4 tập thể và 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia xây dựng Công trình kiểm soát nguồn nước kênh Nguyễn Tấn Thành.

Văn Dương – Hồng Ân
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ? Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ?

Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.