Tiền Giang: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế

Địa phương
09:57 AM 31/10/2022

Những năm gần đây được sự hỗ trợ của Trung ương, sự quan tâm của các cấp các ngành, tỉnh Tiền Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương huy động các nguồn lực, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tiền Giang thuộc vùng đất mới, do sự bồi tụ phù sa của sông Mê Kông từ thế kỷ I đến thế kỷ VII. Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhân dân Tiền Giang đã biến nơi đây thành một trung tâm thương mại, đầu mối giao thương lớn nhất miền Tây Nam bộ. Đồng thời, ghi dấu trong lịch sử dân tộc qua những di tích lịch sử - văn hóa, những chiến công vang dội, như: di tích văn hóa Óc Eo - Gò Thành, Rạch Gầm - Xoài Mút, di tích lịch sử đền thờ Bình Tây đại nguyên soái Trương Định, đền thờ anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, lễ hội Tứ Kiệt, di tích Ấp Bắc.

Tiền Giang - Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Khu di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút

Tiền Giang - Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Di tích khảo cổ Gò Thành

Tiền Giang - Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Khu lăng mộ được khai quật tại Di tích khảo cổ Gò Thành

 Bước vào thời kỳ đổi mới, những năm qua, được sự hỗ trợ của Trung ương, sự quan tâm của các cấp các ngành, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương huy động các nguồn lực, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh… Nhờ đó, tỉnh Tiền Giang đã đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng trong trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong việc cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để phát triển Tiền Giang trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển hàng đầu trong khu vực Tây Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tiền Giang - Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Cầu Mỹ Thuận nối Tiền Giang với Vĩnh Long

Nắm rõ việc đầu tư công sẽ tạo nền tảng hạ tầng kỹ thuật, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, do đó, những năm qua, công tác đầu tư công luôn được tỉnh Tiền Giang quan tâm, tập trung thực hiện.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh giải ngân vốn đấu tư công đạt 75,1% kế hoạch và tăng 29,5% so cùng kỳ năm trước, nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước. Đồng thời, lĩnh vực đầu tư phát triển tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện được 3.351 tỷ đồng, đạt 86,5% kế hoạch, tăng 48,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện 2.605 tỷ đồng, tăng 51,6% so với cùng kỳ, vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện 515 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Tiền Giang - Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - Ảnh 5.

Dự án xây dựng quảng trường tỉnh Tiền Giang

Là tỉnh nằm ở khu vực sông Tiền và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiền Giang có vị trí đắc địa, thuận lợi trong giao thương và lưu thông, vận chuyển hàng hóa, trong làm ăn đối với các nhà đầu tư trong ngoài nước. Tại đây, mạng lưới giao thông thủy bộ phát triển với các tuyến giao thông huyết mạch kết nối toàn vùng như: cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Trung Lương - TP. Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, Quốc lộ 30, Quốc lộ 60, Quốc lộ 50, tuyến sông Tiền, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo…

Trong năm 2021, tỉnh Tiền Giang đưa vào sử dụng 5 công trình cầu trọng điểm trên địa bàn với kinh phí đầu tư trên 638 tỷ đồng. Trong đó, cầu Bình Xuân nằm trên đường tỉnh 863 kết nối Quốc lộ 50 tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại của người dân các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Tây, rút ngắn thời gian đi Thành phố Hồ Chí Minh; Cầu Ngũ Hiệp nằm trên đường tỉnh 868 bắc qua cù lao Ngũ Hiệp, là tuyến đường tương lai sẽ trở thành quốc lộ kết nối các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp.

Tiền Giang - Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - Ảnh 6.

Dự án xây dựng cầu Cái Thia tỉnh Tiền Giang

Đánh giá được tầm quan trọng về vai trò của đô thị tại các địa phương và ý nghĩa của công tác phát triển đô thị đối với việc nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhân dân, trong thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã tập trung các nguồn lực cho công tác phát triển hạ tầng đô thị với việc đầu tư từ công tác quy hoạch đến công tác triển khai các dự án về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị với mục tiêu đáp ứng đủ nhu cầu hiện tại và có định hướng đáp ứng đủ nhu cầu trong tương lai.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thành phố Mỹ Tho đã được công nhận là đô thị loại I vào năm 2016; thị xã Gò Công được nâng loại, công nhận là đô thị loại III vào năm 2018, phấn đấu thành thành phố Gò Công năm 2025; thị xã Cai Lậy được nâng loại, công nhận là đô thị loại III vào năm 2020. Bên cạnh đó 8 đô thị trên địa bàn được công nhận là đô thị loại V gồm thị trấn Cái Bè, thị trấn Mỹ Phước, thị trấn Tân Hiệp, thị trấn Chợ Gạo, thị trấn Vĩnh Bình, thị trấn Tân Hòa, thị trấn Vàm Láng và xã Bình Phú - huyện Cai Lậy. Tỉ lệ phủ kín quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đạt 100%. 100% đô thị trên địa bàn đã có Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.

Tiền Giang - Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - Ảnh 7.

Một góc khuôn viên thành phố Mỹ Tho

Tiền Giang - Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - Ảnh 8.

Dự án khu đô thị của Tập Đoàn Tây Bắc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch với diện tích trên 1.000 ha. Hiện nay 5 cụm công nghiệp là Trung An, Tân Mỹ Chánh, Song Thuận, An Thạnh, Gia Thuận 1 đang hoạt động với diện tích gần 159 ha.

Đến đầu tháng 9 năm 2022, tỉnh Tiền Giang đã thu hút thêm được 10 dự án đầu tư mới vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn với tổng vốn đăng ký trên 834 tỷ đồng, tăng gấp 4,68 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó, có 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút được 81 dự án FDI, 29 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư trên 2,255 tỷ USD và trên 2.370 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy đạt 91,6% tổng diện tích đất công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho trên 93.000 lao động. Các cụm công nghiệp cũng đã thu hút 7 dự án FDI, 73 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư trên 153 triệu USD và trên 2.415 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lấp đầy 83,4% tổng diện tích đất công nghiệp và tạo công ăn việc làm cho trên 17.000 lao động.

Tiền Giang - Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - Ảnh 9.

Khu công nghiệp Mỹ Tho

Tiền Giang - Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - Ảnh 10.

Khu công nghiệp Long Giang

 Phát huy hết mọi tiềm năng, lợi thế, cùng với những đột phá lớn về kết cấu hạ tầng trong thời gian qua đã khoác lên cho Tiền Giang một diện mạo mới với những thay đổi rõ rệt. Qua đó tạo nền tảng vững chắc để Tiền Giang thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, tạo động lực để tỉnh ngày càng vươn cao, phấn đấu trở thành "tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" và "phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh tự cân đối ngân sách".

Nguyễn Hữu Cảm
Ý kiến của bạn