Tiền Giang khởi hành những chuyến vận chuyển luồng xanh đường thuỷ đưa nông sản đến với TP.Hồ Chí Minh
Nhằm tăng cường nông sản cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và tránh đứt gãy chuỗi cùng ứng hàng hóa trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngày 19/7, tại Bến phà tạm Rạch Miễu, thuộc xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã khởi hành chuyến vận chuyển “luồng xanh” đường thủy đầu tiên đến TP. Hồ Chí Minh.
Tham dự có ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang cùng lãnh đạo Sở Công Thương và Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, lộ trình di chuyển là đi từ cảng, bến thủy nội địa thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long theo sông Tiền kênh Chợ Gạo sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh Nước Mặn sông Cần Giuộc) sông Soài Rạp sông Nhà Bè sông Sài Gòn bến Bạch Đằng (TP. Hồ Chí Minh) và ngược lại.
Trong ngày đầu tiên vận chuyển, có hơn 40 tấn hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm như: Gạo, mì gói, bún khô, thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm, rau, củ, quả; thủy, hải sản...; trang thiết bị y tế, nguyên vật liệu phục vụ phòng, chống dịch của các đơn vị cung ứng hàng hóa ở tỉnh Tiền Giang chuyển về TP. Hồ Chí Minh. Đây là những tấn hàng nông sản đầu tiên dùng "luồng xanh" đường thủy ở phía Nam nhằm giảm tải cho "luồng xanh" đường bộ, tăng cường nông sản cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và tránh đứt gãy chuỗi cùng ứng hàng hóa trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Việc đưa tàu cao tốc vào hoạt động chở rau, củ, quả và các nhu yếu phẩm thiết yếu từ tỉnh Tiền Giang đi lên TP. Hồ Chí Minh trong thời điểm hiện nay là việc làm rất ý nghĩa, thiết thực. Không chỉ giúp người dân TP. Hồ Chí Minh tiếp cận được nguồn thực phẩm dồi dào mà thông qua đó, việc sản xuất của người dân Tiền Giang cũng có nhiều nguồn ra, bà con an tâm sản xuất hơn".
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong suốt quá trình di chuyển, phương tiện sẽ từ các cảng, bến thủy nội địa của các tỉnh miền Tây đi thẳng về bến Bạch Đằng - TP. Hồ Chí Minh, không được dừng dọc đường. Sau mỗi chuyến vận chuyển hàng hóa, phương tiện sẽ được phun khử khuẩn toàn bộ trước khi khởi hành chuyến mới. Ngoài ra, các thuyền viên và lái tàu phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng Covid-19 và có xét nghiệm âm tính với Covid-19 mới được lên tàu. Lực lượng trên sẽ ở trên tàu, không tiếp xúc với người dân địa phương. Đồng thời, các phương tiện không bố trí lực lượng bốc xếp mà việc bốc xếp hàng hóa tại các bến do các đơn vị cung ứng hàng hóa tại địa phương chịu trách nhiệm.
Theo kế hoạch, thời gian tàu lưu thông trên tuyến là từ 06 - 19 giờ hàng ngày. Dự kiến cách 02 ngày tùy theo nhu cầu thị trường, tàu cao tốc của Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP sẽ đến tỉnh Tiền Giang để thu mua hàng nông sản vận chuyển về TP.Hồ Chí Minh. Thời gian tàu cao tốc đi trên đường sông sẽ nhanh hơn, không phải đi qua các trạm kiểm soát dịch. Đây là phương án để vận chuyển rau, củ, quả và các nhu yếu phẩm thiết yếu về TP. Hồ Chí Minh một cách nhanh nhất, qua đó đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời hỗ trợ vận tải đường bộ, góp phần kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh có văn bản gửi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải và Sở Công Thương một số tỉnh miền Tây Nam bộ về triển khai phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng "luồng xanh" đường thủy trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bá VươngBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.