Tiền Giang: Một chặng đường xây dựng thành phố Gò Công

Địa phương
12:40 PM 03/07/2024

Năm 1987, theo Quyết định số 37/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thị xã Gò Công là đô thị loại IV thuộc tỉnh Tiền Giang. Đây là bước đệm quan trọng để hình thành nên thành Phố Gò Công…

Điểm nhấn từ năm 1987...

Thành phố Gò Công là trung tâm phía Đông của tỉnh Tiền Giang, là đô thị đứng thứ 2 của tỉnh (sau thành phố Mỹ Tho). Diện tích tự nhiên 101,98 km2… Thành phố có vị trí địa lý thuận lợi: cách Thành phố Hồ Chí Minh 60 km về phía Nam, cách thành phố Mỹ Tho 35 km về phía Đông.

Tiền Giang: Một chặng đường xây dựng thành phố Gò Công- Ảnh 1.

thị xã Gò Công được công nhận đạt chuẩn "Văn minh đô thị" ở năm 2020

Từ năm 1987, thị xã Gò Công đã được xác định cơ cấu kinh tế "Thương mại - Dịch vụ nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp - Nông nghiệp". Việc chỉnh trang đô thị đã tạo nên những nét đổi mới ở nội thị, hoạt động thương mại, dịch vụ được thuận lợi hơn. Các ngành công nghiệp được chú trọng, ngành điện tập trung ưu tiên cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt. Các hợp tác xã thủ công nghiệp được khuyến khích, đã thu hút hàng trăm lao động. Sản xuất nông nghiệp đã phát huy hiệu quả chương trình "Ngọt hoá Gò Công", đưa đời sống kinh tế ở nông thôn được cải thiện.

Tiền Giang: Một chặng đường xây dựng thành phố Gò Công- Ảnh 2.

Ông Võ Văn Bình - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang trao Quyết định thành lập Đảng bộ thành phố Gò Công cho lãnh đạo thị xã Gò Công

Đến cuối năm 2000, kinh tế thị xã Gò Công luôn ở mức tăng trưởng khá và ổn định, tạo tiền đề cho việc chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật công trình; hoàn chỉnh mạng lưới giao thông nội, ngoại thị, giao thông đối ngoại; hoàn chỉnh mạng lưới điện, cấp thoát nước,…

Ông Giản Bá Huỳnh- Chủ tịch UBND Thành phố Gò Công, phát biểu: "Xác định vị thế quan trọng của TX. Gò Công, ngày 27/4/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết 12 với mục tiêu xây dựng và phát triển TX. Gò Công thành thành phố Gò Công trước năm 2025. Địa phương quyết tâm trở thành đô thị xứng tầm là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học- công nghệ, dịch vụ và du lịch của khu vực phía đông tỉnh…".

... đến trước năm 2025

Xác định thị xã Gò Công đóng vai trò là đô thị "hạt nhân" vùng phía Đông của tỉnh, việc thành lập thành phố Gò Công tạo điều kiện phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế sẵn có nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của cả khu vực… Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU vào ngày 27/4/2022 về lãnh đạo xây dựng thị xã Gò Công trở thành thành phố Gò Công vào năm 2025.

Tiền Giang: Một chặng đường xây dựng thành phố Gò Công- Ảnh 3.

Lãnh đạo thị xã Gò Công họp triển khai xây dựng thành phố Gò Công đi vào ổn định, phát triển

Là đô thị có giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời của Tiền Giang nói riêng và của vùng đất Nam Bộ nói chung. Nơi đây có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt cao trong các kỳ thi xưa rồi làm quan dưới các triều vua nhà Nguyễn… Chẳng hạn, ông Phạm Đăng Hưng đã từng làm quan Thượng thư dưới 3 triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Con gái ông là bà Phạm Thị Hằng là vợ vua Thiệu Trị, là mẹ vua Tự Đức tức Thái hậu Từ Dũ nổi tiếng trong lịch sử. Đây cũng là quê hương của nhà văn Hồ Biểu Chánh, nhà văn Sơn Vương... 

Trong những năm 1925-1930, tại đây đã có Nhà xuất bản Nữ Lưu Thơ Quán của Phan Thị Bạch Vân nổi tiếng khắp nơi, tập hợp nhiều cây bút tiến bộ đương thời cổ động cho nữ giới mở mang học vấn và bảo vệ luân lý đạo đức. Đây cũng là quê hương của nữ thi sĩ Lê Thị Kim (nữ sĩ Manh Manh), của bà Cao Thị Khanh, chủ bút tờ Phụ nữ tân văn... Những sản phẩm độc đáo của vùng Gò Công như: điệu lý con sáo Gò Công, tủ thờ Gò Công hiện vẫn còn được lưu giữ. Ngoài ra, Gò Công còn có những di tích quan trọng như Lăng Hoàng Gia, đền thờ anh hùng Trương Định, đình Trung, miếu thờ Võ Tánh...

Ngày 21/01/2008, Chính phủ ban hành Nghị định 09/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thị xã Gò Công như ngày nay. Năm 2017, thị xã Gò Công đạt chuẩn đô thị loại III; Năm 2020, được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận đạt chuẩn "Văn minh đô thị" giai đoạn 2016-2020 và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tiền Giang: Một chặng đường xây dựng thành phố Gò Công- Ảnh 4.

Cổng chào thành phố Gò Công về đêm

Từ năm 2015 trở lại đây, thị xã Gò Công luôn phát huy được vai trò là trung tâm phát triển khu vực phía Đông của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 6,72%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân giai đoạn 2016- 2020 là 30,3%/năm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp- xây dựng, nông nghiệp; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm 15,44%; giá trị thương mại, dịch vụ tăng bình quân hàng năm 16,01%. Thu ngân sách đều vượt dự toán, tốc độ tăng thu bình quân hàng năm 16,26%. 

Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 60,1 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,28% (theo chuẩn giai đoạn 2015-2020). Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng, các cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục - thể thao, hệ thống điện, cấp nước, viễn thông được đầu tư khá đồng bộ. Công tác quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định…

Tiền Giang: Một chặng đường xây dựng thành phố Gò Công- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Kiên Cường - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy thành phố Gò Công (người thư 6 từ trái sang) khen thưởng nhiều cá nhân, tập thể đạt thành tích trong công tác xây dựng thành phố Gò Công

Ông Nguyễn Kiên Cường - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành Ủy Thành phố Gò Công, trả lời báo chí: "Sau khi được công nhận là thành phố Gò Công, Thị ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Gò Công yêu cầu các cơ quan ban ngành, xã phường khẩn trương thực hiện để thành phố Gò Công sớm ổn định đi vào hoạt động, phục vụ người dân được liên tục, xuyên suốt,…".

Tiền Giang: Một chặng đường xây dựng thành phố Gò Công- Ảnh 6.

Ông Nguyễn Hữu Lợi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang

Nhìn lại chặng đường đã qua, những nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền ở Tiền Giang và nhân dân địa phương trong việc xây dựng thị xã Gò Công trở thành thành phố Gò Công hiện đại, nghĩa tình như ngày nay rất đáng được ghi nhận.

Ông Nguyễn Hữu Lợi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang cho biết: "Việc xây dựng thành phố Gò Công là sự nghiệp của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh nói chung và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị xã Gò Công nói riêng. Thành phố Gò Công thể hiện vai trò là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng chung của tỉnh; đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững; có hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, văn minh, hiện đại, có môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp; gắn phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…".


Anh Duy
Ý kiến của bạn
Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão

Theo các chuyên gia, khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão, người dân cần nhớ và tuân thủ một số lưu ý như: kiểm tra thời tiết, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, sử dụng đèn chiếu sáng… nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho bản thân và những người xung quanh.