Tiền Giang: Trường Nhân Ái - Nơi chắp cánh ước mơ cho trẻ em khuyết tật

Địa phương
02:15 PM 24/03/2021

Trường Khuyết tật Nhân Ái (Mỹ Tho) được xây dựng nhằm mục đích giúp trẻ em khuyết tật, chậm phát triển có điều kiện học văn hóa, dạy nghề để các em có điều kiện hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Qua gần 17 năm hình thành, ngôi trường đã thật sự là mái ấm nghĩa tình, cưu mang, nuôi dưỡng và chắp cánh ước mơ của bao mảnh đời bất hạnh.

Tiền Giang: Trường Nhân Ái - Nơi chắp cánh ước mơ cho trẻ em khuyết tật - Ảnh 1.

Nữ tu Elisabeth Nguyễn Thị Sương, Hiệu trưởng Trường Khuyết tật Nhân Ái.

Trường Khuyết tật Nhân Ái tọa lạc số 290 Lý Thường  Kiệt, phường 5, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Tiền thân là trường chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thính. Từ niềm mong ước của cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, khi còn là Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, ngài muốn trong giáo phận có một ngôi trường từ thiện để đóng góp cùng xã hội trong việc nuôi dưỡng, giáo dục các em khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa. Ngôi trường đã được khởi công xây dựng năm 2003, chính thức đưa vào sử dụng ngày 12/4/2004.

Nơi nuôi dạy trẻ khuyết tật để có thể hòa nhập cộng đồng

Nằm trong khuôn viên rộng 5.800 m2, trường được bố trí 1 dãy văn phòng, 2 dãy phòng học, cùng với phòng ăn rộng rãi, sạch sẽ. Phòng sinh hoạt chung được trang trí thích hợp với lớp tuổi thiếu nhi và 1 dãy nhà ở dành cho các nữ tu. Sân chơi rộng rãi, thoáng mát. So với các trường tiểu học khác trong thành phố thì học phí của Trường Khuyết tật Nhân Ái rất ít. Vì nguồn ngân sách hạn hẹp, cơ sở vật chất nhà trường vẫn còn nhiều thiếu thốn. Dù tươm tất, sạch sẽ nhưng không giấu được sự xuống cấp theo thời gian của cơ sở vật chất, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm.

Nữ tu Elisabeth Nguyễn Thị Sương, Hiệu trưởng Trường Khuyết tật Nhân Ái cho biết: Để tạo điều kiện cho các em được đến trường, đặc biệt các em ở vùng sâu, vùng xa, gia đình còn nhiều khó khăn, nhà trường được mở ra theo diện từ thiện và thực hiện nội trú. Hiện nay, trường tổ chức được 12 lớp, có 150 trẻ theo học. Trong đó, có 7 lớp từ lớp 1 đến lớp 5; 3 lớp dự bị dành cho trẻ khiếm thính, chuẩn bị vào lớp 1 và 2 lớp đặc biệt dành cho trẻ chậm phát triển. Trung bình mỗi giáo viên phụ trách khoảng 10 trẻ. Nếu so với việc dạy trẻ bình thường, công việc không hề nhàn hạ. Bởi tất cả trẻ đều khiếm thính (vừa câm vừa điếc). Quản lý một tập thể khiếm thính để tất cả đều vào khuôn phép, với một thời khóa biểu chung thì không hề là công việc dễ dàng.

Chăm sóc một đứa trẻ bình thường đã khó, chăm sóc trẻ khuyết tật còn khó khăn gấp nhiều lần. Mỗi khi các em đau ốm không thể diễn tả được tình trạng của mình hay những em chậm phát triển không thể tự chăm sóc bản thân. Mọi việc đều phải nhờ đến các cô giáo.

Ngoài học chữ, các em còn được học nghề theo năng khiếu hay sở thích như: cưa lộng (với các em nam); thêu tay, thêu máy, móc (các em nữ) và học vi tính (cả nam lẫn nữ). Các em được tập múa như các trẻ bình thường để phục vụ các dịp lễ hội... Sự nhịp nhàng, đồng bộ trên sàn diễn khi các em không hề nghe được tiếng nhạc đã khiến cho người xem thật bất ngờ, thán phục và xúc động.

Ước tính hiện có khoảng nửa triệu trẻ khuyết tật sống ở Việt Nam. Những trẻ em này phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong cuộc sống hàng ngày và chịu nhiều hình thức phân biệt đối xử, dẫn đến bị loại trừ khỏi xã hội và trường học. Trong khi mọi trẻ em đều có quyền được giáo dục, thái độ đối với trẻ em khuyết tật cũng như thiếu hiểu biết về nhu cầu của trẻ, những thách thức mà trẻ phải đối mặt gây khó khăn khi đòi hỏi quyền này. Vẫn còn rất nhiều trẻ em khuyết tật không được đến lớp. Đặc biệt là ở lứa tuổi tiểu học hoặc trung học.

Giáo viên giáo dục đặc biệt là nghề đang thiếu nhân lực ở nước ta

Nghề giáo viên thực tế lại được chia làm nhiều ngành giảng dạy khác nhau như: Giáo viên Mầm non, Giáo viên Tiểu học, Giáo viên Trung học, Giáo viên Thể dục, Giáo viên Tiếng Anh… hay Giáo viên Giáo dục đặc biệt.

Giáo dục đặc biệt là chương trình giáo dục được thiết kế dành riêng cho các học sinh có nhu cầu đặc biệt như học sinh bị chậm phát triển về tinh thần/thể chất/tình cảm hoặc bị khiếm thính, khiếm thị...

Trẻ khuyết tật cần một môi trường giáo dục dành riêng cho mình - điều mà các trường học truyền thống không thể đáp ứng. Giáo dục đặc biệt sử dụng các phương pháp, chương trình và cả nội dung giảng dạy mang tính thích nghi cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt; đáp ứng nhu cầu hoạt động, vui chơi, học tập theo khả năng của trẻ đó.

Để các em tiếp thu bài được thuận lợi, từ chương trình phổ thông được giữ chủ đề chính, toàn bộ nội dung bài dạy đều được giáo viên ở đây biên soạn sao cho phù hợp cảm thụ của các em. Phương pháp chung là các sơ, giáo viên trong trường khi giúp các em luyện phát âm, luyện nghe kết hợp với sử dụng tranh ảnh và đồ dùng trực quang để hỗ trợ khi giao tiếp. Từ đó mà phát triển ngôn ngữ, sự hiểu biết của các em ngày càng tiến bộ.

Nghề nào cũng có những khó khăn, thuận lợi - nhưng nếu chọn nghề giáo viên giáo dục đặc biệt cần nắm rõ những khó khăn, thuận lợi của nghề này. Dạy một học sinh bình thường đã khó, dạy một trẻ khuyết tật còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Để trở thành một giáo viên dạy học cho trẻ khuyết tật cho thấy sự yêu nghề, mến trẻ nhiều đến dường nào.

Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi người giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại và luôn rèn giũa cho bản thân mình sự nhã nhặn, kiên nhẫn, không nóng nảy và trái tim đầy thông cảm, chia sẻ. Theo đó, giáo viên dạy trẻ khuyết tật, không đơn thuần là những giáo viên dạy chữ mà còn là người cha, người mẹ, người bạn đồng hành cùng trẻ.

Điều thuận lợi nhất khi giảng dạy cho các em học sinh đặc biệt, đó là các em yêu quý cô, bạn học và biết nghe lời. Các em rất ngây thơ, vô tư, trong sáng nên lời nói của cô giáo luôn được các em lắng nghe, đáp ứng và lặp lại.

Tiền Giang: Trường Nhân Ái - Nơi chắp cánh ước mơ cho trẻ em khuyết tật - Ảnh 2.

Nhóm thiện nguyện thường xuyên nấu ăn cho các em.

Tuy nhiên, khó khăn trong nghề cũng không ít: Đa số các em chưa được quan tâm để được can thiệp sớm, nên dù ở lứa tuổi nào khi đến lớp các em vẫn rất ngây ngô, kỹ năng học tập cũng như giao tiếp hạn chế. Nhiều phụ huynh không thừa nhận sự thật con mình là trẻ khuyết tật nên né tránh, do đó trẻ không được hỗ trợ kịp thời và không được hưởng chính sách riêng dành cho học sinh khuyết tật. Trẻ khuyết tật từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển khó khăn. Do trẻ có những đặc điểm tâm sinh lý không thuận lợi, quá trình nhận thức bị suy giảm, làm cho trẻ khó khăn trong việc lĩnh hội các kiến thức.

Trẻ nhận thức chậm, tư duy kém (chủ yếu là trực quan), do vậy việc tiếp thu kiến thức khó khăn, học trước quên sau. Việc vận dụng kiến thức vào cuộc sống lại càng khó khăn hơn.

Tại các lớp giáo dục đặc biệt, các em có độ tuổi nhập học khác nhau, các dạng tật khác nhau. Mức độ tật và tâm sinh lý của học sinh đặc biệt phát triển không đồng đều. Do vậy khi nhận lớp giáo viên phải nắm chắc bệnh lý của học sinh và kỹ năng của từng em. Từ đó biết được độ tuổi phát triển của các em và sử dụng các biện pháp giáo dục hiệu quả.

Đến thăm trường vào những ngày dịch COVID-19 đã được kiểm soát ổn định, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống, tình yêu thương thể hiện bằng chính sự kiên nhẫn của tập thể nhà trường. Chính từ tình thương yêu vô bờ bến của các nữ tu dòng Phaolô Mỹ Tho, từ những nhà quản lý đến giáo viên nhà trường đã khắc phục và vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để đào tạo cho xã hội những con người mới, vượt qua mặc cảm của bản thân để hòa nhập với cuộc sống xã hội.

Bá Vương
Ý kiến của bạn
Sa Pa tưng bừng khai mạc Lễ hội mùa hè 2025 Sa Pa tưng bừng khai mạc Lễ hội mùa hè 2025

Tối 29/4, UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) tổ chức Khai mạc Lễ hội mùa hè Sa Pa 2025 với chủ đề: “Sa Pa - Xứ sở của tình yêu”. Sự kiện diễn ra trong không khí phấn khởi khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1/5.