Tiền gửi tiết kiệm đạt mức cao nhất lịch sử ngành ngân hàng
Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế hiện đạt hơn 18 triệu tỷ đồng, là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong những ngày qua, nhiều ngân hàng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động về mức từ 5,6 - 5,7%/năm. Tiền gửi kỳ hạn 1 năm ở một số ngân hàng quốc doanh đã xuống dưới mốc 5%/năm. Các kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tháng, lãi suất chỉ còn từ 2,2 - 2,6%/năm, cá biệt có ngân hàng chỉ huy động tiền gửi ở kỳ hạn này với mức lãi suất dưới 2%/năm.
Cụ thể, mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về một số ngân hàng như: VietBank, HDBank... lãi suất 6,4%/năm cho kỳ hạn 18 tháng gửi online ở HDBank. Còn kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tiết kiệm tại quầy, VietBank hiện là đơn vị niêm yết lãi suất cao nhất với 5,7%/năm. Theo sau, loạt nhà băng cùng áp dụng mức lãi suất 5,5%/năm là BaoVietBank, HDBank, KienlongBank, NamABank, NCB, VietABank và BVBank.
Thấp như vậy, nhưng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế vẫn đạt hơn 18 triệu tỷ đồng, tăng hơn 10,8% so với đầu năm, mức tăng này gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Nhiều người chọn gửi tiết kiệm, nhưng không hẳn để sinh lời.
Các chuyên gia phân tích tài chính nhận định, do tình hình nền kinh tế vĩ mô còn đứng trước nhiều thách thức, bất định, người dân vẫn sẽ lựa chọn kênh tiền gửi, thay vì đầu tư vào bất động sản, chứng khoán hay sản xuất - kinh doanh. Trong 10 năm gần đây, các kênh đầu tư quen thuộc nhất ở Việt Nam là bất động sản, sau đó tới chứng khoán và cuối cùng mới là sản xuất - kinh doanh. Do đó, khi các kênh đầu tư này chưa có tín hiệu khởi sắc rõ ràng thì tiền gửi vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu của người dân.
Thế nhưng, tiền gửi cũng chỉ là một kênh để “bảo toàn vốn” trong bối cảnh thị trường khó khăn, nên năm 2024, xu hướng dòng tiền đổ xô gửi tiết kiệm sẽ khó duy trì khi những kênh đầu tư khác bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Chia sẻ với báo chí, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2024 còn đối mặt nhiều thách thức, song cũng có không ít cơ hội. Việc đầu tư vào lĩnh vực nào phụ thuộc chủ yếu vào tình hình tài chính, kiến thức, kinh nghiệm của từng cá nhân và điều quan trọng nhất là tuỳ theo khẩu vị rủi ro của mỗi người. Nếu khẩu vị rủi ro cao, nhà đầu tư có thể tranh thủ “bắt đáy” bất động sản hay chứng khoán, nếu thấy được cơ hội đầu tư tốt. Ngược lại, nếu khẩu vị rủi ro thấp thì gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn nên được ưu tiên. Nhà đầu tư cũng có thể phân chia tỷ lệ nhỏ nguồn tiền sang một số kênh khác, nhưng nguyên tắc bất di bất dịch là “không bỏ trứng vào một giỏ” để phân tán rủi ro.
Minh An (t/h)Từ 15h hôm nay (5/12), giá xăng RON 95 giảm 294 đồng/lít, bán ra ở mức 20.563 đồng/lít - mức tương đương hồi tháng 5/2021, trong khi đó giá bán lẻ xăng RON 92 tăng nhẹ.