Tiến tới Luật hóa công tác dân nguyện của Quốc hội
Mới đây, nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (17/3/2003 - 17/3/2023), TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, cho rằng, phải có sự xác định rõ ràng về mặt chủ trương về mặt đường lối qua đó để chúng ta thể chế thành các quy định của pháp luật trong một đạo luật, nếu được thì đây chính là đạo luật về dân nguyện của Quốc hội.
Ban Dân nguyện là cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, được thành lập ngày 17/3/2003 theo Nghị quyết 370/2003/NQ-UBTVQH1, có trách nhiệm giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện. Trải qua 20 năm đến nay, Ban Dân nguyện từ chỗ là cơ quan chuyên môn, thực hiện những nhiệm vụ của một cơ quan hành chính đã chuyển dần sang những hoạt động mang tính giám sát, mang lại kết quả tốt được dư luận xã hội và cử tri đồng tình và hoan nghênh.
20 năm – đánh dấu tầm cao công tác dân nguyện
Hoạt động dân nguyện được thực hiện ở cả cấp cao nhất (Quốc hội) và các cấp khác trong hệ thống cơ quan dân cử (Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã) tạo thành một mạng lưới và thang bậc của hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương tới địa phương.
Vì vậy, công tác dân nguyện có vai trò góp phần rất quan trọng bảo đảm thực hiện quyền lực và kiểm soát quyền lực nhà nước ở tất cả hệ thống các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước cũng như các chủ thể khác (Đảng, Mặt trận, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp…) khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý.
Công tác dân nguyện góp phần khẳng định bản chất Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, đồng thời thể hiện rõ nét tính chất dân chủ của sinh hoạt xã hội trong Nhà nước. Hoạt động dân nguyện góp phần tăng cường mối quan hệ của Quốc hội, hội đồng nhân dân nói riêng, hệ thống các cơ quan nhà nước nói chung với cử tri và Nhân dân. Từ đó giúp giải quyết nhiều vấn đề tầm cao (chính sách, pháp luật) và những vấn đề cụ thể trong đời sống xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn các quan hệ kinh tế, xã hội, cũng cố khối đại đoàn kết toàn dân, hướng tới xây dựng một quốc gia hưng thịnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhìn lại 20 năm qua, TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, cho rằng, việc thành lập Ban Dân nguyện đã đánh dấu sự thay đổi việc đánh giá tầm quan trọng của công tác dân nguyện của Quốc hội - rằng cần thiết phải có một cơ quan nhất định để đảm nhiệm một phần các công việc liên quan đến nguyện vọng của Nhân dân và coi đây cũng là bước thử nghiệm trên thực tế để tiến tới thành lập một uỷ ban độc lập.
Từ cuộc tổng tuyển cử năm 1946 để bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước ta đến nay đã có 13 khóa Quốc hội hoạt động, nhưng trước 2003, công tác dân nguyện được hiểu chỉ trong phạm vi tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội.
Từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá II đến khoá VIII, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư được giao cho Văn phòng - cơ quan giúp việc cho Quốc hội đảm nhiệm. Từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá IX đến khoá XI Uỷ ban thường vụ Quốc hội phân công một uỷ viên phụ trách công tác dân nguyện. Tuy nhiên đây chỉ là sự phân công trong nội bộ Uỷ ban thường vụ Quốc hội, còn về cơ sở pháp lý thì chưa có văn bản pháp luật nào qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của uỷ viên thường vụ trong lĩnh vực công tác dân nguyện.
Năm 2003, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban này về việc thành lập Ban Dân nguyện. Theo đó, Ban Dân nguyện cho chức năng tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện, gồm tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; xử lý kiến nghị của cử tri, giám sát đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và công tác giải quyết kiến nghị của cử tri ở các cơ quan trung ương và địa phương; thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.
Như thế, theo tinh thần Nghị quyết nêu trên thì lĩnh vực công tác dân nguyện của Quốc hội đã được mở rộng thêm không chỉ bó hẹp trong phạm vi tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Điều này làm cho công tác dân nguyện của Quốc hội tiến gần hơn đến khái niệm dân nguyện với nội hàm là nguyện vọng của Nhân dân
Đặc biệt, từ Quốc hội khóa 14 đến nay, công tác dân nguyện càng ngày càng trở nên là hoạt động thường xuyên, đặc biệt báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri do Ban dân nguyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, MTTQ Việt Nam tổng hợp, phân tích, xây dựng để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại các kỳ họp đã là "phần cứng" không thể thiếu trong mỗi kỳ họp thường xuyên hằng năm của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp tục giao Ban Dân nguyện xây dựng báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng trình Ủy ban xem xét, kết luận, kiến nghị thực hiện và giám sát thực hiện các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Luật hóa công tác dân nguyện
Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, trong 20 năm hoạt động, Ban Dân nguyện từ chỗ là cơ quan chuyên môn, thực hiện những nhiệm vụ của một cơ quan hành chính đã chuyển dần sang những hoạt động mang tính giám sát, mang lại kết quả tốt được dư luận xã hội và cử tri đồng tình và hoan nghênh.
Để làm tốt công tác dân nguyện, Ban Dân nguyện đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan. Kết quả hoạt động dân nguyện rõ ràng có những đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả, làm thay đổi cả cách nhìn của xã hội đối với Quốc hội, đồng thời góp phần đổi mới các hoạt động cơ bản của Quốc hội.
TS Lưu Bình Nhưỡng nói: "Sự thay đổi nhận thức về công tác dân nguyện chính là "chìa khóa" chính trị – pháp lý – xã hội làm thay đổi thể chế và đổi mới hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của các cơ quan trong công tác dân nguyện"
Theo đó, việc luật hóa công tác dân nguyện là phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển chung, đồng thời đó cũng nhằm góp phần tăng cường mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân. Tuy nhiên, Ban Dân nguyện hiện nay chưa được xác định địa vị pháp lý tại văn bản luật nào. Vị trí chức năng của công tác dân nguyện của Quốc hội cũng như Ban chưa thực sự tương xứng với nhiệm vụ, vai trò của cơ quan thực hiện công tác dân nguyện của Quốc hội.
Thời gian qua, thực hiện Kết luận của Chủ tịch Quốc hội và theo phân công nhiệm vụ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 167/KH-BDN ngày 28/6/2021 với 6 nhiệm vụ lớn, trong đó có xây dựng và trình Đảng đoàn Quốc hội về Đề án đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội. Trên tinh thần đó, Đề án "Đổi mới công tác dân nguyện" đã bước đầu hình thành đề xuất đổi mới về thể chế, ban hành Luật về công tác Dân nguyện (hoặc Luật Dân nguyện), tạo tiền đề quan trọng trình lên các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.
Lưu ĐoànCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.