Tiếng "khóc" trên những dòng kênh

Xã hội
10:33 AM 06/08/2020

Bên cạnh tiếng khóc của những con kênh đang bị bức tử, còn có tiếng nức nở của 200.000 người mắc bệnh ung thư và 9.000 người đã chết mỗi năm liên quan đến những dòng kênh đó.

Tiếng "khóc" trên những dòng kênh - Ảnh 1.

Rác thải nổi lềnh bềnh trên dòng kênh Long Vân Tự. Phường 24, Q. Bình Thạnh, TP HCM

Khi dòng kênh "oằn mình" cõng rác

Hiện trạng ô nhiễm kênh rạch đang ở mức báo động. Những dòng kênh đen kịt, bốc mùi hôi thối, ngập ngụa rác thải diễn ra phổ biến tại các địa phương.

Ở TP Hồ Chí Minh, khoảng 2.000 km đường sông, kênh, rạch phủ kín toàn địa bàn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống người dân thành phố.

Dọc tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé dài hơn 22 km đoạn cập 2 bên Đại lộ Đông Tây và đường Bến Vân Đồn (quận 4), nước thải quyện cùng bèo, hộp xốp đủ kích cỡ trôi lềnh bềnh, nước ô nhiễm đen kịt, thường xuyên bốc mùi hôi thối khiến ai cũng cảm thấy khó chịu.

Một số đoạn Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm trở lại. Trên mặt nước thường xuất hiện túi ni lông, hộp xốp….

Tiếng "khóc" trên những dòng kênh - Ảnh 2.

Nước kênh Khuê Trung- Đò ( phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) Xu đen ngòm, váng nổi lềnh bềnh

Bên cạnh đó, những con rạch nhỏ, như: Mương A41, đoạn chảy qua khu dân cư P.4, Q.Tân Bình, rác dồn ứ thành đống; kênh Hy Vọng (đoạn chảy qua đường Phan Huy Ích (P.15, Q.Tân Bình) tuy thoát cảnh ngập rác nhưng vẫn bốc mùi hôi thối, màu nước đen kịt; rạch Xuyên Tâm (đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), vào mùa khô, bùn đất, rác thải nổi lên đủ loại khiến con rạch nồng nặc bốc mùi.

Ở TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), kênh Rạch Bà chảy qua các phường: 8, 9, 10, Rạch Dừa chứa nhiều rác thải ách tắc.

Tại Đà Nẵng, tuyến kênh hở kéo dài từ khu vực sau lưng Trường tiểu học Hồng Quang chảy vòng về khu vực Trung tâm Giết mổ gia súc, gia cầm Đà Sơn, không khí quanh khu vực con kênh này lúc nào cũng đặc quánh mùi hôi thối, ruồi muỗi phát sinh nhiều vô kể. Nước trong kênh đen kịt.

Ở Hải Dương, kết quả quan trắc, phân tích môi trường nước định kỳ ở 17 tuyến kênh trong hệ thống Bắc Hưng Hải của Chi cục Thủy lợi tỉnh Hải Dương phối hợp với Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương), cho thấy: Tất cả 17 tuyến kênh đều ô nhiễm, thậm chí, nhiều thông số vượt ngưỡng cho phép tới hàng chục lần, ví như: Thông số E.Coli vượt quy chuẩn cho phép từ 2 - 43 lần; 16 tuyến kênh thông số NH4 +-N vượt từ 1,1 - 21 lần…

Tiếng "khóc" trên những dòng kênh - Ảnh 3.

Tiếng "khóc" trên những dòng kênh - Ảnh 4.

Một số dòng kênh ô nhiễm khác

Kênh T2, đoạn từ ngã tư Máy Sứ đến hồ điều hòa trạm bơm Bình Lâu, mặc dù mới được TP Hải Dương xử lý tháng 4 vừa qua với tổng kinh phí khoảng 800 triệu đồng như nạo vét, làm sạch rác thải lòng kênh, sử dụng chế phẩm sinh học, đặt bè thủy sinh. Thế nhưng, hiện nay dòng kênh nước vẫn đen kịt, bốc mùi không kể nắng mưa khiến ai đi qua cũng phải nín thở, bịt mũi.

Trong khi đó, toàn tuyến trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đều đang ô nhiễm. Báo cáo mới nhất cả Công ty TNHH một thành viên Bắc Hưng hải cho biết hệ thống thủy lợi đang phải tiếp nhận 100% nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, làng nghề và 70 - 80% nước thải công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu.

Theo kết quả báo cáo của Viện nước, tưới tiêu và môi trường 15 vị trí quan trắc cho thấy: 9/15 vị trí có hàm lượng DO hòa tan< 3mg/l có ảnh hưởng đến sinh trưởng của thủy sản, 12/15 vị trí có hàm lượng BOD5 vượt Quy chuẩn Việt Nam dưới 5 lần; 3/15 vị trí có hàm lượng NH4 vượt Quy chuẩn Việt Nam trên 10 lần (ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng) 7/15 vị trí hàm lượng NH4 vượt Quy chuẩn Việt Nam từ 5 – 10 lần (ô nhiễm nghiêm trọng).

Trong đó, các địa bàn tỉnh, thành phố có hệ thống Bắc Hưng Hải chảy qua kết quả quan trắc, phân tích môi trường hầu hết các tuyến kênh đều bị ô nhiễm, vượt chuẩn cao với mức cho phép. Cụ thể địa bàn tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội chỉ tiêu DO rất thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa, cá và các sinh vật thủy sinh có thể bị chết. Một số chỉ tiêu vượt quá mức cho phép, như: NH4 vượt 23,33 lần, BOD5 vượt 2,39 lần, COD vượt 3,40 lần; NO2 vượt 1,4 lần, PO4 vượt 11,13 lần; Coliform vượt 122,67 lần.

Báo hiệu hiểm họa khôn lường

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng ngày riêng nước thải sinh hoạt phát sinh ra môi trường là 7 triệu m3, nhưng năng lực xử lý trên toàn quốc chỉ đạt 14,5%, khoảng 85% nước thải sinh hoạt chưa xử lý được.

Trong khi đó, tổng lượng nước thải các khu công nghiệp toàn quốc khoảng trên 3 triệu m3/ngày đêm nhưng khoảng hơn 2 triệu m3 (chiếm 70%) chưa qua xử lý, xả thẳng ra môi trường.

Nước thải bệnh viện (loại nước chứa rất nhiều chất hữu cơ và là ổ vi trùng gây bệnh) cũng được xử lý ở tỷ lệ thấp. Hiện cả nước có khoảng 13.674  cơ sở y tế thải ra trung bình 150.000 m3/ngày đêm, nhưng có tới 46% số bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Thêm vào đó, theo Tổng cục Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 38.000 tấn/ngày, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày; chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh khoảng 25 triệu tấn/năm.

Hàng năm, hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 76 triệu tấn rơm rạ, 85 - 90 triệu tấn chất thải chăn nuôi, hơn 14.000 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại sau sử dụng. Lượng chất thải rắn y tế thông thường phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế khoảng 147.095 tấn/năm.

Trong khi, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 85,5% và tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 60% so với lượng phát sinh. Như thế, mỗi ngày có khoảng 5.510 tấn rác thải đô thị và 12.800 tấn rác thải nông thôn được xả trực tiếp ra môi trường.

Do đó, những dòng kênh nhận về mình hầu hết nước thải, một phần chất thải rắn được vứt trực tiếp, khiến dòng nước đổi màu, co cụm từng mảng rác trôi nổi, đặc biệt ở các đoạn cống, nước nồng nặc bốc mùi.

Các con kênh ô nhiễm theo dòng đổ ra sông, nơi cung cấp nước đầu vào cho các nhà máy nước sạch để xử lý. Các nguồn thủy sản đánh bắt trên sông, kênh, rạch, rau màu tưới tiêu bằng nước từ những nguồn này đều có nguy cơ nhiễm độc, người dân ăn vào có khả năng mang bệnh.

Theo ông Doãn Ngọc Hải, viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết: Tùy từng loại khí có trong tập hợp khí gây mùi hôi và thời gian tiếp xúc mà gây những ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe. Nếu thời gian tiếp xúc ngắn, mùi hôi gây khó chịu, căng thẳng thần kinh, gây ức chế tâm lý với người tiếp xúc; nếu tiếp xúc lâu dài, mùi hôi sẽ ảnh hưởng tới đường hô hấp.

Còn theo TS Nguyễn Ngọc Minh (giảng viên bộ môn tai - mũi - họng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch): Nếu hít mùi hôi thối trong thời gian tương đối dài, có thể gây viêm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới, gây ho, khạc đờm nhớt, sổ mũi...

Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - Môi trường, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.

Một nghiên cứu của WHO về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam đã đưa ra cảnh báo, hiện có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và kém về vệ sinh. Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen (một chất liên quan đến bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư bàng quang, ung thư gan).

Với nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP quy định mức giá dịch vụ thoát nước, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải trên lãnh thổ Việt Nam,... trong đó khoản 1 điều 8 ghi rõ cộng đồng "Thực hiện chức năng giám sát về đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước theo quy định của pháp luật".

Hiện nay, ở Hải Dương, người dân phải trả giá dịch vụ thoát nước là 1.430 đồng/m3. Nếu đem số đó nhân với 7 triệu m3 nước thải sinh hoạt trên cả nước hàng năm thì số tiền này lên tới gần 3.654 tỉ đồng.

Thế nhưng thực tế, rất nhiều khu dân cư không có hệ thống thoát nước thải mà đổ trực tiếp ra các con kênh. Năng lực xử lý nước thải sinh hoạt trên toàn quốc chỉ đạt 14,5%, điều này dấy lên nghi vấn về hiệu quả thực sự của nguồn phí này./.

PV
Ý kiến của bạn