'Tiếng Việt lớp 1 nặng hơn chương trình cũ': Bộ GD&ĐT phản hồi
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nhận định của phụ huynh về chương trình Tiếng Việt 1 nặng là chưa có cơ sở và chưa đúng thời điểm.
Chiều 30/9, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thường kỳ quý III năm 2020, bàn luận nhiều vấn đề "nóng" của ngành, trong đó có chương trình Tiếng Việt 1.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) thông tin, gần đây, một số diễn đàn đăng tải thông tin phụ huynh nói về chương trình lớp 1 nặng sau một tháng học. Hiện tại, Bộ GD&ĐT chưa nhận được ý kiến chính thức từ giáo viên, cơ sở giáo dục, nhà khoa học về vấn đề này.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khẳng định, chương trình lớp 1 có sự điều chỉnh ở chỗ "trẻ cố gắng đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt", để có điều kiện chọn những môn khác.
Với Tiếng Việt 1, nội dung kiến thức không cao hơn chương trình hiện hành. Thời lượng của môn học này được điều chỉnh tăng từ 350 tiết lên 420 tiết. Thời lượng của môn Toán giảm 70 tiết.
Ông Thái Văn Tài thông tin chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai, có chuẩn đầu ra, khung thời lượng năm học.
Chương trình lớp 1 có 9 môn học. Tiếng Việt 1 có 5 bộ sách, được thiết kế theo những cách khác nhau. Về chuẩn đầu ra, chương trình Tiếng Việt 1 yêu cầu học sinh đọc và viết được bao nhiêu từ sau một phút.
Khung chương trình đã được hội đồng quốc gia thẩm định, thử nghiệm, lấy ý kiến. Vì vậy, những nhận định chương trình nặng chưa có căn cứ xác đáng, chưa đúng thời điểm, có thể do phụ huynh bị tâm lý khi con vào lớp 1.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã quy định cụ thể về phát triển chương trình. Theo đó, phát triển chương trình giáo dục phổ thông là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT đã tổ chức khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến các cơ quan quản lý giáo dục, các trường, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và những người quan tâm để đánh giá chương trình, xem xét, điều chỉnh, xây dựng chương trình các môn học (nếu cần thiết) và hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh (nếu có).
Trước biến động của giá dầu thế giới, các doanh nghiệp dự báo giá xăng trong nước ngày mai có thể tăng từ 250-300 đồng/lít; còn giá dầu tăng mạnh hơn.