Tiếp sức cho doanh nghiệp du lịch chiến thắng COVID-19

Doanh nghiệp - Doanh nhân
09:03 AM 15/06/2021

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trong nước khiến cho ngành du lịch gần như tê liệt, hàng nghìn doanh nghiệp "đóng băng", người lao động mất việc làm. Tuy nhiên, trong khó khăn, một loạt các chính sách hỗ trợ ngành du lịch đã được triển khai, tiếp sức cho doanh nghiệp du lịch vượt qua “cơn bão” COVID-19.

Đại dịch COVID-19 “đánh” trực diện vào ngành kinh tế xanh. Qua 4 lần dịch bệnh bùng phát, trên 95% doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Rất nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành tạm đóng cửa, nhân sự rơi vào tình trạng thất nghiệp, nhiều lao động không thể trụ nổi và chuyển đổi ngành nghề. Thực trạng này thật sự đáng lo ngại, bởi trong tương lai khi du lịch phục hồi, sẽ khó có được nguồn nhân sự chất lượng như trước đây.

“Kết bè vượt bão” giúp doanh nghiệp du lịch chiến thắng COVID-19 - Ảnh 1.

Tại Đà Nẵng, trong số hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực du lịch có hơn 90% doanh nghiệp đóng cửa. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, có đến 1/10 doanh nghiệp là hội viên (tương ứng 1.000 doanh nghiệp) đã giải thể, số còn lại tiếp tục đóng cửa vì dịch COVID-19.

Mới đây, để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch "vượt bão" COVID-19, UBND TP. Đà Nẵng đồng ý chủ trương giao cho các sở, ngành nghiên cứu cho người lao động ngành du lịch vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, mỗi lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng trong thời gian 3 - 5 năm, lãi suất 7,92%/năm theo hình thức vay không thế chấp. Khoảng thời gian vay từ 3-5 năm được tính toán dựa vào ước lượng thời gian ngành du lịch phục hồi, người lao động lại có việc làm và có thu nhập để hoàn trả khoản vay.

Người vay vốn phải có địa chỉ thường trú hợp pháp tại TP. Đà Nẵng, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, với mục đích vay để tạo việc làm, vay mở rộng kinh doanh có xác nhận của cơ quan chức năng. Chính sách hỗ trợ này của TP. Đà Nẵng được xem như chiếc phao cứu sinh để người lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn trước mắt.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Du lịch thành phố vừa đề xuất lên UBND TP.HCM các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, trong đó tập trung hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp du lịch có thể duy trì bộ máy vận hành, giữ chân người lao động.

“Kết bè vượt bão” giúp doanh nghiệp du lịch chiến thắng COVID-19 - Ảnh 2.

Sở đề xuất UBND thành phố xem xét trình HĐND thành phố chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh TP.HCM hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho doanh nghiệp du lịch.

Chương trình này sẽ không phân biệt doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ, với mục đích để doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Theo Sở Du lịch TP.HCM, hiện thành phố có 5.002 doanh nghiệp du lịch đang hoạt động với khoảng 31.500 lao động. Với lãi suất 0%, mức hỗ trợ 50% lương tối thiểu vùng trong 3 tháng, thì quy mô khoản vay để trả lương cho người lao động lên đến 208 tỉ đồng.

Ngoài gói vay lãi suất 0%, Sở Du lịch TP.HCM cũng đề xuất xem xét hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong năm 2021. 

Còn tại Hà Nội, từ cuối tháng 1/2021 đến nay, đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát 2 đợt khiến hoạt động du lịch Thủ đô tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 5 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội vào khoảng 2,89 triệu lượt, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu từ khách du lịch (chỉ bao gồm khách du lịch nội địa) đạt khoảng 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, ngành du lịch Thủ đô tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Thành phố và Bộ Y tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, trong đó tăng cường kiểm tra các khách sạn sử dụng phục vụ công tác cách ly tập trung cho khách nhập cảnh và tổ bay; phối hợp với tỉnh, thành phố trong cả nước để nắm bắt thông tin các đoàn khách, phối hợp quản lý, phòng, chống bệnh dịch theo quy định. Cùng với đó, tổ chức kiếm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch tại một số điểm đến du lịch và cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã có các kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động du lịch như giảm tiền thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ lực lượng lao động du lịch thất nghiệp..., qua đó giúp các doanh nghiệp giảm bớt một phần khó khăn, yên tâm triển khai các chương trình, hoạt động du lịch trong thời gian tới.

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD

Theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan công bố, từ đầu năm đến 15/11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 352,38 tỷ USD và nhập khẩu đạt 329,1 tỷ USD.