Tiết kiệm để thêm nguồn lực phát triển
Cho đến thời điểm này, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta đã đạt kết quả căn bản, tích cực. Đây là yếu tố quyết định để phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới”.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ phát triển như thế nào?
Trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn ngăn cản giao thương thì việc giữ cho được an toàn dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội trong nước là hai nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu hiện nay.
Để thực hiện hiệu quả hai nhiệm vụ này, chúng ta phải khai thác hiệu quả mọi nguồn lực trong nước, đặc biệt là đẩy mạnh tiết kiệm. Kết luận số 77-KL/TƯ ngày 5-6-2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước đã chỉ ra một trong những giải pháp cấp bách hiện nay là: “Phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế”.
Đây là một quan điểm hết sức đúng đắn, vì Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nguồn lực còn hạn chế. Trong khi đó, những tháng qua dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, dẫn đến nguồn thu ngân sách sụt giảm. Thêm vào đó, các khoản chi từ ngân sách để phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp… lại tăng. Dịch bệnh còn ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập, đời sống, sinh hoạt của nhiều gia đình.
Tiết kiệm, vốn là yêu cầu thường xuyên, liên tục đối với mỗi cá nhân, tập thể và cả đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, việc này lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Chúng ta có thể tiết kiệm bằng cách nào?
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là xem đồng tiền bằng cái trống, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu; tiết kiệm không phải là gò ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào việc tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân”. Lời dạy của Người vẫn vẹn nguyên giá trị. Nhiều giải pháp tiết kiệm hiệu quả được thực hiện trong thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội là kinh nghiệm quý cần tiếp tục được phát huy.
Thực tế hiện nay đã và đang có nhiều cách tiết kiệm hiệu quả theo tinh thần ấy.
Ba kỳ họp gần đây, thông qua việc sử dụng máy tính bảng và công nghệ thông tin, Quốc hội đã giảm “cả mét tài liệu” phải in sao, gửi tới các đại biểu. Đặc biệt, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn mạnh mẽ hơn: 1/2 chương trình kỳ họp được tiến hành theo hình thức họp trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các đại biểu, trong khi chất lượng các vấn đề nghị sự lại tăng lên.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội cũng đã sử dụng nền tảng internet để tổ chức hội nghị, hội thảo, trao đổi, tọa đàm với các đối tác quốc tế, các địa phương.
Nhiều cơ quan hành chính, đơn vị, doanh nghiệp tiết kiệm thông qua đẩy mạnh làm việc, giao dịch, kinh doanh qua môi trường mạng giúp nâng cao hiệu quả, giảm chi phí.
Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giúp người dân, doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí; việc đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án trọng điểm, không tổ chức những lễ khởi công, khánh thành tốn kém… cũng là những giải pháp tiết kiệm hiệu quả rõ nét. Về lâu dài, những hoạt động này còn giúp các địa phương đón làn sóng đầu tư nước ngoài mới, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh.
Yêu cầu tiết kiệm đang đặt ra với toàn xã hội. Khi đất nước gặp khó khăn, mỗi tổ chức, cá nhân đều nên nêu cao ý thức tiết kiệm, “thắt lưng buộc bụng”.
Đó là sử dụng các nguồn tài nguyên hợp lý; tiết kiệm trong sử dụng điện, nước; tận dụng những phụ phẩm trong sản xuất, sinh hoạt như việc không đốt rơm gây ô nhiễm không khí mà xử lý làm thức ăn chăn nuôi, phân bón, trồng nấm...
Mỗi người dân cũng có thể tiết kiệm thông qua từng hành động, việc làm nhỏ nhưng rất thiết thực, như không vứt rác bừa bãi để công nhân vệ sinh môi trường phải mất nhiều công sức thu dọn. Hay như cùng hưởng ứng các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam"… để vừa thúc đẩy sản xuất, dịch vụ trong nước phát triển, vừa tiết kiệm chi phí cho bản thân, gia đình.
Khi nhiều nước còn phải đối phó với dịch Covid-19, nước ta đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, đây là cơ hội quý để vươn lên. Tuy nhiên, nếu không tiết kiệm, chúng ta sẽ không có đủ nguồn lực để tận dụng cơ hội này. Vì vậy, đẩy mạnh tiết kiệm chính là một giải pháp quan trọng để dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.
“Tiết kiệm là quốc sách”!
Khẩu hiệu hành động đó đang thôi thúc mỗi chúng ta cùng thực hành những giải pháp tiết kiệm phù hợp với bản thân và gia đình, đơn vị mình.
Hà VânSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.