Tiết kiệm hơn 16.000 tỷ đồng mỗi năm thông qua cải cách hành chính và triển khai chính phủ điện tử
Sáng ngày 8/1, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc xây dựng, vận hành một số hệ thống thông tin, nền tảng thông tin quan trọng của chính phủ điện tử đã giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả giãn cách xã hội và các hoạt động kinh tế xã hội không tiếp xúc. Điều này đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện "mục tiêu kép".
Thứ nhất là trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương vào ngày 12/3/2019. Đến nay đã có 3,8 triệu văn bản điện tử gửi nhận qua trục liên thông từ Chính phủ tới địa phương, thực hiện gửi kết nối tới tất cả các bộ, cơ quan. Nhờ đó, mỗi năm tiết kiệm được khoảng 1.200 tỷ đồng.
Thứ hai là hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ khai trương ngày 24/6/2019. Hệ thống đã phục vụ các hội nghị của Chính phủ và tất cả các hoạt động trao đổi, lấy phiếu ý kiến thành viên Chính phủ với 650 phiếu đã thực hiện qua trao đổi điện tử. Thay thế cho 230 nghìn hồ sơ lẽ ra phải in giấy, hệ thống giúp tiết kiệm 169 tỷ đồng/năm.
Thứ ba là hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và trung tâm chỉ đạo điều hành của chính phủ, thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 19/8/2020. Đến nay hệ thống đã được kết nối đến 14 bộ, cơ quan và 37 địa phương, đang tiếp tục kết nối với tất cả các bộ và 63 tỉnh thành. Bao gồm 20 chế độ báo cáo và 106/200 chỉ tiêu kinh tế xã hội phục vụ chỉ đạo điều hành của chính phủ, thủ tướng chính phủ.
"Đặc biệt, toàn bộ số liệu trên hệ thống này đều theo thời gian thực, ngay cả những chỉ số liên quan đến kinh tế xã hội, phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn, các sự kiện lớn ở những vị trí quan trọng, thậm chí ngay từ biển Đông đều được quan sát trên hệ thống điều hành chung. Chi phí tiết kiệm mỗi năm của hệ thống này là 460 tỷ đồng", theo ông Mai Tiến Dũng.
Thứ tư, cổng dịch vụ công quốc gia khai trương ngày 9/12/2019. Đến nay đã có 2.762/6.790 dịch vụ công được đưa lên, chiếm 39% với 105,2 triệu lượt người truy cập. Thông qua hệ thống này, người dân, doanh nghiệp có thể nộp 100% thành phần hồ sơ qua điện tử mà không cần xác minh lại theo nguyên tắc đăng ký 1 tài khoản duy nhất và đăng nhập 1 lần.
Theo tính toán, hệ thống đã có 424.000 tài khoản đăng nhập 1 lần, 28,2 triệu hồ sơ, 46.000 cuộc gọi đến tổng đài nhờ giúp đỡ và 89.600 phản ánh của doanh nghiệp, người dân. Tất cả các dịch vụ công đều được thực hiện theo cấp độ 3, cấp độ 4. Qua đó, tiết kiệm được 8.100 tỷ đồng/năm.
"Như vậy, việc triển khai các hệ thống nêu trên đã giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 9.800 tỷ động mỗi năm, tương đương 426 triệu USD. Ngoài ra, liên quan cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, Chính phủ còn tiết kiệm được thêm 6.300 tỷ đồng."
Tổng cộng mỗi năm Việt Nam tiết kiệm được 16.100 tỷ đồng từ cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính phủ điện tử.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định quyết tâm "tái cấu trúc toàn bộ cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính, cắt bỏ và gạt bỏ tất cả những gì liên quan đến thủ tục, giấy phép, điều kiện khiến tăng thời gian và chi phí. Đồng thời, các dịch vụ công đều được thực hiện theo nguyên tắc không phụ thuộc vào thời gian và địa giới hành chính."
Hoài ThươngBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.