Tiết kiệm như thể sẽ chẳng bao giờ kiếm được nhiều tiền hơn: Dại vô cùng!

Tư vấn Tiêu dùng
08:33 PM 01/07/2025

Tiết kiệm là tốt nhưng tiết kiệm với suy nghĩ bi quan thế thì không.

Có một giai đoạn, tôi sống như thể cả cuộc đời mình sẽ mãi dậm chân tại mức lương 9 triệu/tháng. Mỗi lần mua thứ gì đó, dù chỉ là cốc cà phê 25k, tôi cũng thấy cắn rứt. Mỗi khi bạn bè rủ đi ăn, tôi lại tìm đủ lý do để từ chối, không phải vì tôi không thích mà vì tôi sợ tốn tiền.

Thế nên cũng không có gì lạ khi tôi chỉ xem phim trên web lậu chứ không phải Netflix hay các trang uy tín… Thậm chí, tôi còn không dám đăng ký đi học tiếng Anh, cũng chỉ vì muốn tiết kiệm tiền nên nghĩ rằng tự học cũng được…

Tiết kiệm trở thành nỗi ám ảnh

Tiết kiệm là tốt. Không ai phủ nhận điều đó. Nhưng có lẽ cũng giống như việc ăn kiêng, nếu làm quá, chúng ta sẽ suy kiệt.

Chúng ta thường nói về thắt lưng buộc bụng như một cách sống lý tưởng. Nhưng sự thật là: không ít người đang tiết kiệm như thể họ sẽ không bao giờ tăng được thu nhập. Họ mặc định mức thu nhập hiện tại là cái đỉnh cao nhất mà bản thân có thể leo tới, nên cứ mãi siết mình trong một kịch bản tài chính hạn hẹp.

Tiết kiệm như thể sẽ chẳng bao giờ kiếm được nhiều tiền hơn: Dại vô cùng!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước đây, tôi cũng vậy và một vài người bạn xung quanh tôi cũng thế. Một người bạn của tôi sống cực kỳ chặt chẽ về tiền bạc, đang để dành mua nhà, nên mỗi tháng cố gắng không tiêu quá 20% thu nhập. Kết quả là suốt một năm trời, bạn không dám đi đâu ngoài cung đường từ nhà tới công ty, từ công ty tạt qua chợ rồi lại rẽ về nhà.

Có lần tôi qua nhà bạn chơi, hai đứa cùng nhau ngồi lướt Threads và bắt gặp một bài đăng đại ý thế này: "Nếu mai bạn nhận được offer công việc mới với lương gấp đôi, bạn có dám sống khác không?".

Đọc xong, tôi nói trong vô thức: “Giờ mà lương gấp đôi là chuyển trọ ngay chứ chán cái phòng trọ tồi tàn bây giờ quá rồi”. Còn bạn thôi lại nói: “Gớm nữa, viển vông mà làm gì, cứ sống đúng với những gì mình đang có thôi”.

Bài đăng đó khiến tôi trầm ngâm rất lâu. Tôi nghĩ rằng nếu thu nhập tăng thì cuộc sống của mình sẽ khá hơn, nhưng tôi lại chưa bao giờ thực sự tin rằng mình có khả năng để tăng thu nhập, nên tất cả những gì tôi làm chỉ là… tự dằn vặt mình với mỗi quyết định chi tiêu. Và bạn tôi cũng thế…

Tư duy khan hiếm là mặt trái của tiết kiệm

Không phải ai cũng có mức thu nhập dư dả để vừa được chi tiêu thoải mái, vừa có tiền để dành. Nhưng tiết kiệm không có nghĩa là luôn phải sống trong trạng thái thiếu thốn và niềm tin mình mãi mãi không thể tăng thu nhập.

Tiết kiệm như thể sẽ chẳng bao giờ kiếm được nhiều tiền hơn: Dại vô cùng!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tôi đã tiết kiệm đến mức gạt bỏ mọi cơ hội phát triển bản thân chỉ vì sợ tốn tiền. Tôi không dám chi tiền đi học ngoại ngữ, dù 1 khóa học 5 triệu thì tôi dư sức để đóng trong vòng 1 phút… Tôi cũng không dám đầu tư chăm chút cho ngoại hình của bản thân, hay các mối quan hệ… 

Cứ thế, tôi mặc định một điều rằng khả năng kiếm tiền của mình có thể thay đổi. Việc này giống như mối quan hệ của con gà và quả trứng vậy, chẳng biết cái nào có trước, cái nào có sau. Có thể vì tôi quá ki kiệt với bản thân nên thành ra yếu kém, mãi không thể thoát khỏi mức lương 9 triệu; hoặc cũng có thể vì lương chỉ 9 triệu, nên tôi cần nhiều thời gian hơn người khác trong việc tăng thu nhập chăng?

Thực tình thì tôi cũng chẳng chắc nữa vì đến giờ thì lương tôi cũng vẫn chỉ có 9 triệu chứ đã thêm được đồng nào… Nhưng những người cùng xuất phát điểm với tôi, thì giờ lương họ đã 15-20 triệu rồi.

Thế nên tôi nghĩ cái sai của tôi là niềm tin “mình chỉ kiếm được nhiêu đó nên mình chỉ được tiêu chừng này”. Chính suy nghĩ ấy đã khóa chặt mọi cánh cửa giúp tôi tiến xa hơn nhưng cũng chẳng trách ai được, vì suy nghĩ hay niềm tin thì đều là do tôi chọn cả thôi mà.

Tiêu hoang thì không tốt, nhưng tiêu… hèn như tôi thì cũng chẳng có gì là hay!

Có một cụm từ khá nặng nề nhưng nó lại khiến tôi tỉnh ngộ hẳn ra: Tiêu hèn. Đó là khi bạn mua thứ rẻ nhất dù biết nó không tốt, là khi bạn từ chối trải nghiệm chỉ vì sợ tốn tiền, là khi bạn luôn chọn phương án rẻ nhất thay vì phù hợp nhất.

Tiết kiệm như thể sẽ chẳng bao giờ kiếm được nhiều tiền hơn: Dại vô cùng!- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Tiêu hoang là không tốt, chúng ta đều biết điều đó. Nhưng tiêu hèn cũng không hay. Nó phản ánh tâm lý sợ hãi: Sợ mất tiền, sợ không bù đắp được, sợ không đủ và sự sợ hãi đó đôi khi khiến người ta ngừng đầu tư vào chính bản thân.

Thế nên, chúng ta sẽ tiết kiệm theo kiểu khác nếu tin rằng mình còn có thể kiếm được nhiều hơn. Thay vì cố gắng giữ thật chặt số tiền đang có, bạn sẽ chủ động học thêm kỹ năng, mở rộng nguồn thu nhập, tìm cách đầu tư hiệu quả. Bạn sẽ thấy chuyện chi vài triệu cho một khóa học là hợp lý, nếu bạn tin mình có thể kiếm thêm tiền nhờ kiến thức mới đó. Nhưng nếu bạn nghĩ số tiền này là cả tuần tiền ăn của tôi, mất là mất luôn, thì mọi cơ hội sẽ trôi qua.

Khác biệt giữa người tiết kiệm tỉnh táo và người tiết kiệm mù quáng nằm ở đó.

Cuộc sống không phải là một bài toán trừ mãi không cộng. Và tài chính cá nhân không phải là bảng Excel chỉ có cắt giảm chi phí. Nó cần có cả dòng thu, dòng chi và dòng đầu tư. Đôi khi, đầu tư đúng cách cho bản thân chính là bước tiết kiệm dài hạn thông minh nhất.

NGỌC LINH
Từ khóa: Tiết kiệm
Ý kiến của bạn
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7 Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7

Trong tháng 7, hàng loạt chính sách mới có hiệu lực như: 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền chính quyền địa phương hai cấp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp "sổ đỏ"; 5 nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc...