Tiêu chuẩn "xanh" - Xu hướng Việt Nam không thể bỏ lỡ
Bước sang năm thứ 3 thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), nhiều thách thức mới đặt ra với doanh nghiệp khi thị trường áp dụng hàng rào kỹ thuật xanh gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Những sức ép này buộc doanh nghiệp phải sớm chuyển đổi xanh nếu không muốn bị loại khỏi “cuộc chơi”.
Xây dựng nền kinh tế có mức phát thải tối thiểu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn tình trạng suy giảm hệ sinh thái, hay còn gọi là quá trình “chuyển đổi xanh”, đã và sẽ là xu hướng tất yếu trên toàn cầu.
Trong các nỗ lực chuyển đổi xanh này, Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là một trong những khu vực tích cực nhất trên thế giới. Những động thái trong chuyển đổi xanh của EU - một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực - sẽ ảnh hưởng đến không ít các ngành hàng lớn của Việt Nam.
Phổ biến nhất là làm gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu (các tiêu chuẩn kỹ thuật xanh mới, hoặc sửa đổi, nâng cấp yêu cầu hoặc mở rộng diện áp dụng của các tiêu chuẩn hiện có).
Tiếp theo là các quy định gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất cho các mục tiêu “xanh, bền vững” (dưới dạng các khoản phí bổ sung phải nộp, các loại chứng chỉ trung hòa carbon phải mua...).
Và cuối cùng là các đòi hỏi tăng thêm về thủ tục khai báo thông tin, về trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu (ví dụ về nguồn gốc xuất xứ đất trồng, về lượng carbon phát sinh trong quá trình sản xuất trên đơn vị sản phẩm...), hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về các khía cạnh “xanh, bền vững” của sản phẩm cho người tiêu dùng (ví dụ về ghi nhãn, về hộ chiếu số cho sản phẩm...).
Mặc dù trước mắt, các chính sách xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, nhưng trong lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp.
Từ góc độ thị trường, đây là cách thức tốt nhất để doanh nghiệp có thể đi trước một bước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với tệp khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ của khu vực này.
Đồng thời, thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp đi các thị trường phát triển khác vốn cũng đang thúc đẩy các hành động nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu tương tự EU (như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia...).
Từ góc độ hiệu quả, chuyển đổi xanh mặc dù có thể yêu cầu đầu tư ban đầu cao nhưng lại có thể là nhân tố giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trong dài hạn.
Không những thế, trên bình diện vĩ mô, việc từng doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh trong nội địa nền kinh tế, từ đó đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển bền vững của chính Việt Nam.
Trước các chính sách xanh này của EU, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam trong các ngành bị ảnh hưởng cần theo dõi sát diễn tiến các chính sách xanh ở EU; nhận diện kịp thời, chính xác các tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan tới sản phẩm của mình.
Cùng với đó, cần có sự chuẩn bị, đầu tư và hành động từ sớm, từ xa để dần thích ứng, và bảo đảm khả năng tuân thủ các yêu cầu bắt buộc khi EU áp dụng chính thức.
Không chỉ vậy, các cơ quan Nhà nước, hiệp hội, tổ chức khác có thể hỗ trợ hiệu quả cho quá trình thích ứng với các tiêu chuẩn xanh EU này của doanh nghiệp thông qua việc cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác và chi tiết về các tiêu chuẩn xanh EU theo nhóm sản phẩm cụ thể; tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.
Ngoài ra, cần phối hợp với phía EU trao đổi về cách thức thực thi phù hợp, về các hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt Nam nếu có.
Minh An (t/h)Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.