''Tiêu dùng xanh'' để bảo vệ môi trường
Những năm gần đây, “tiêu dùng xanh” không còn là trào lưu mà đã trở thành lối sống tích cực được rất nhiều người hưởng ứng, nhất là giới trẻ.
Cốt lõi của lối sống này là hướng đến những điều bền vững, có lợi cho thiên nhiên, cho môi trường, vì thế, các sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng mặt trời, đồ tái chế... đang được nhiều người lựa chọn và coi đó là “lựa chọn xanh” để bảo vệ môi trường sống, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những dấu hiệu tích cực
Như một tín hiệu đáng mừng, các hoạt động “tiêu dùng xanh” gần đây được cả xã hội quan tâm và cùng nhau hành động, lan tỏa tinh thần sống tích cực vì môi trường. Đầu tiên là xu hướng tái sử dụng đồ dùng để hạn chế rác thải. Dẫn đầu xu hướng sử dụng bình, cốc tái sử dụng phải kể đến hãng Starbucks. Ai đã từng uống cà phê tại các cửa hàng của Starbucks chắc hẳn đã quen với những chiếc cốc sứ, cốc thủy tinh, cốc giữ nhiệt của hãng này. Chúng trở thành đồ vật “bất ly thân” mỗi khi ra ngoài, khi mua đồ “take away” của nhiều bạn trẻ. Đặc biệt, khi đến với Starbucks, nếu bạn cầm theo bình nước cá nhân như thế thì sẽ được giảm 10.000 đồng khi mua nước ở đây. Đó là hành động ý nghĩa thể hiện ý thức bảo vệ môi trường.
Nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đang thay thế túi nilon bằng lá chuối để hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Tiếp đó là xu hướng thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy, ống hút tre, ống hút inox; thói quen sử dụng túi nilon được thay bằng túi giấy, túi vải cùng những cam kết và ưu đãi dành cho khách hàng hưởng ứng phong trào “sống xanh”, giảm thiểu đồ nhựa của các quán cà phê ở Hà Nội.
Quán All Day Coffee (số 37 Quang Trung, Hoàn Kiếm) là một trong những nơi đi đầu trào lưu “sống xanh” ở Hà Nội. Cùng với việc thay đổi ống hút nhựa thành ống hút giấy, quán còn dùng cốc giấy và túi giấy cho đồ uống mang đi.
Ngoài All Day Coffee, ở Hà Nội còn không ít quán cà phê hướng đến tiêu chí thân thiện môi trường như quán Cùi Dìa Cafe (ngách 84/2, ngõ 84 Ngọc Khánh, phường Giảng Võ) sử dụng ống hút tre, cỏ, đồ uống mang về đựng vào bình thủy tinh; Xofa Café & Bistro (số 14 phố Tống Duy Tân, quận Hoàn Kiếm), Four Springs Tea House (số 9 phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa) dùng ống hút giấy, tre, đựng đồ mang đi bằng cốc giấy, dán thông điệp nhắc khách sử dụng giấy tiết kiệm...
Đồng hành trong việc lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải nhựa, nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng đang nỗ lực thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.
Tại các siêu thị lớn như CoopMart, VinMart hay Lotte Mart, nhiều loại túi nilon đựng thực phẩm đã được thay bằng lá chuối, túi vệ sinh tự hủy; các khay bằng xốp được thay bằng khay làm từ bã mía... Từ tháng 4-2019, Lotte Mart đã triển khai dự án Lotte Eco Green “Tôi hành động - bạn cũng thế?” với mục tiêu giảm thiểu lượng rác thải nhựa qua nhiều hoạt động ý nghĩa như: Ra mắt túi môi trường L-Care; tham gia liên minh chống rác thải nhựa, chương trình cam kết xanh...
Hệ thống siêu thị VinMart đã chính thức ra mắt Chiến dịch “3 xanh” bảo vệ môi trường với các mô hình như “VinMart xanh”, “Khách hàng xanh” và “Nhà cung cấp xanh”. Những “khách hàng xanh” không sử dụng túi nilon dùng một lần tại quầy thu ngân sẽ được tặng túi VinMart sử dụng nhiều lần. Không chỉ vậy, mỗi “khách hàng xanh” lập tức được tặng 1.000 đồng vào hóa đơn. VinMart “chuẩn xanh” còn đặc biệt hơn nữa khi toàn bộ các điểm bán trở thành địa chỉ thu hồi pin đã qua sử dụng, tránh thải pin ra môi trường, gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Không chỉ tạo nên những “siêu thị xanh”, khích lệ người mua sắm trở thành “khách hàng xanh”, tại mỗi điểm bán của chuỗi siêu thị VinMart còn có một khu vực riêng mang tên WE CARE - nơi bày bán các sản phẩm organic, 100% tự nhiên của các “nhà cung cấp xanh”. Theo đó, VinMart sẽ hỗ trợ tối đa cho những đối tác cung ứng sản phẩm thân thiện với môi trường bằng nhiều chính sách đặc biệt như bán hàng không lợi nhuận, quyền lợi ưu tiên trưng bày và quyền lợi về quảng cáo, nhận diện thương hiệu tại siêu thị, cửa hàng...
Bên cạnh hoạt động bảo vệ môi trường của các cửa hàng, doanh nghiệp và siêu thị lớn nhỏ, còn có rất nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực được lan tỏa, cho thấy “sống xanh” không còn là xu hướng mà đã trở thành thói quen, hành động của nhiều người trong công việc và cuộc sống. Quần áo cũ, không hợp mốt được các bạn trẻ lập trang Facebook chia sẻ, trao đổi đồ cho nhau nhằm giảm thiểu lượng rác thải. Những chai thủy tinh không bị vứt đi mà được hồi sinh dưới một hình dạng khác như đèn trang trí, lọ cắm hoa... Cùng với đó là các phong trào lan tỏa “lối sống xanh” mạnh mẽ trong cộng đồng như phong trào “Xóa chân rác - trồng vườn hoa”, “Thu gom pin hết hạn”, “Đổi giấy lấy cây”...
Có một xu hướng nữa cũng góp phần bảo vệ môi trường, đó là sử dụng tiết kiệm các thiết bị điện, giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường. Trên mạng xã hội, nhiều nhóm hướng dẫn nhau sử dụng thiết bị gia dụng sao cho hiệu quả, hình thành “thói quen xanh” như tắt đèn khi không cần thiết, tăng nhiệt độ điều hòa khi về đêm, điều chỉnh máy nước nóng cho hợp lý, rút ngắn chiều dài vòi hoa sen và dùng nước lạnh giặt đồ để tiết kiệm điện...
Giải pháp thúc đẩy “tiêu dùng xanh”
“Tiêu dùng xanh” mang lại nhiều lợi ích, thế nhưng, việc thúc đẩy quá trình thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường, gây ô nhiễm bằng “sản phẩm xanh” còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi còn thiếu quy định cụ thể về “mua sắm xanh” hay “tiêu dùng xanh.”
Vì vậy, để “tiêu dùng xanh” trở thành lối sống tích cực, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Để lan tỏa ý thức “sống xanh”, biện pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của “tiêu dùng xanh” đối với môi trường sống và sức khỏe của con người. Các doanh nghiệp cần hướng mạnh về “sản xuất xanh”, trong đó ưu tiên giảm mức sử dụng năng lượng, chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, đặc biệt là ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Về phía Nhà nước, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về “tiêu dùng xanh”; đưa ra các chính sách khuyến khích sản xuất “sản phẩm xanh”, “dịch vụ xanh”, phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch, đẩy mạnh “xanh hóa” sản xuất, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển “công nghệ xanh”...
Với sự vào cuộc của toàn xã hội, chắc chắn xu hướng “tiêu dùng xanh” sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn, không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp mà khi thực hành, chúng ta sẽ sống lành mạnh hơn, thư thái hơn khi mục tiêu cao cả là chọn “sống xanh”, “tiêu dùng xanh” vì cái chung, vì sự sống đích thực của con người.
Hoài NamCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.