Tiêu dùng xanh thúc đẩy doanh nghiệp xanh hóa sản xuất
Ngày 2/7, Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025 với chủ đề "Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh" đã diễn ra tại Hà Nội.
Diễn đàn do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức, nằm trong chuỗi sự kiện "Thúc đẩy sản xuất - Tiêu dùng bền vững năm 2025" thuộc Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia sâu rộng và cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về các chương trình hành động bảo vệ môi trường, đặc biệt là giải quyết bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp đồng thời đạt tốc độ phát triển vượt bậc. Điều này góp phần thúc đẩy cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về việc đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Để hiện thực hóa các cam kết này, cần có sự chung tay hành động của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cùng với lộ trình thực hiện từ Chính phủ và cả hệ thống chính trị.

Toàn cảnh buổi hội thảo.
Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh, hành vi tiêu dùng là một trong những động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sản xuất bền vững, từ đó kiến tạo nên một kỷ nguyên xanh.
Thời gian qua, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy cung – cầu sản phẩm xanh, từ đó từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nhận thức và hành vi tiêu dùng bền vững.
Tuy nhiên, quy mô và phạm vi tiêu dùng bền vững tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt tại khu vực nông thôn và trong nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các đại biểu tham dự diễn đàn cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, việc "xanh hóa" sản xuất và tiêu dùng không còn là một lựa chọn mà đã trở thành xu hướng tất yếu. Các chiến dịch trồng hàng trăm nghìn cây xanh, chuyển đổi năng lượng tái tạo, giảm thiểu rác thải nhựa... là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của doanh nghiệp trên hành trình phát triển bền vững.
Theo Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ, chúng ta cần chuyển tiêu dùng xanh từ lý tưởng thành hành vi hàng ngày.
Giám đốc Truyền thông đối ngoại và Phát triển bền vững của Unilever Việt Nam Lê Thị Hồng Nhi cho biết, trên hành trình chuyển đổi xanh, Unilever theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn trong giảm rác thải nhựa bằng cách thu gom – tái chế – tái sử dụng, mỗi năm tái chế từ 13.000 đến 15.000 tấn rác thải nhựa để làm bao bì sản phẩm.
Đặc biệt, cam kết phát triển bền vững của Unilever không chỉ thể hiện ở sản phẩm hay công nghệ, mà còn thể hiện qua cam kết với người lao động: bảo đảm mức lương đủ sống, không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu mà còn vượt cao hơn; đồng thời tạo điều kiện phúc lợi toàn diện về bảo hiểm, an sinh và môi trường làm việc.
Tuy nhiên, ba thách thức lớn vẫn tồn tại: nguồn nguyên liệu đầu vào chưa đủ "xanh", công nghệ tái chế trong nước còn lạc hậu và giá thành nhựa tái sinh cao hơn nhựa nguyên sinh khoảng 20%. Người tiêu dùng sẵn sàng lựa chọn sản phẩm xanh, nhưng cũng phải phù hợp với khả năng chi trả. Đây là bài toán khiến doanh nghiệp phải cân đối rất kỹ – đại diện Unilever nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, sản xuất xanh đang đặt ra nhiều thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp. Chi phí đâu tư ban đầu khống lồ, cùng với quy trình sản xuất khắt khe và yêu câu cao vê nguyên liệu, khiên nhiêu đơn vị còn e ngại. Do đó, không ít doanh nghiệp chỉ dám thử nghiệm sản phẩm xanh ở quy mô nhỏ, dù đây là xu hướng tất yếu, đặc biệt khi hướng tới thị trường xuất khẩu. Vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh với chi phí phù hợp vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2025 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 2/7.