Tiêu thụ thép dự kiến tăng khoảng 6,4% trong năm 2024
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), dự kiến trong năm 2024, tiêu thụ thép sẽ tăng khoảng 6,4%, xuất khẩu thép tăng lên gần 13 triệu tấn. Mục tiêu này được đặt ra dựa trên kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay.
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), kinh tế Việt Nam có những điểm sáng tích cực trong năm 2023 khi tăng trưởng được thúc đẩy; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm...
Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng từ nhu cầu của thị trường toàn cầu suy giảm, sản xuất thép thành phẩm trong năm 2023 của các doanh nghiệp thành viên chỉ đạt 27,76 triệu tấn, giảm 5%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt gần 26,3 triệu tấn, giảm 3,5% so với năm 2022. Tuy vậy, xuất khẩu lại là điểm sáng khi có sự tăng trưởng đáng kể, đạt 8 triệu tấn, tăng 29% so năm trước, với các thị trường xuất khẩu chủ yếu tại khu vực ASEAN, EU, Hoa Kỳ và Ấn Độ,...
VSA cũng cho biết, dự kiến trong năm 2024, tiêu thụ thép sẽ tăng khoảng 6,4%, xuất khẩu thép tăng lên gần 13 triệu tấn. Mục tiêu này được đặt ra dựa trên kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay.
Bên cạnh đó, nhu cầu thép của thế giới dự kiến cũng tăng 1,9%, đạt 1,8 tỷ tấn trong năm 2024, trong đó nhu cầu thép của ASEAN kỳ vọng tăng 5,2%. VSA nhận định, triển vọng sản xuất thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2024 và 8% vào năm 2025 khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi trở lại. Sản xuất thép thành phẩm trong hai năm 2024 và 2025 ước đạt khoảng 28 triệu-30 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước khoảng 22 triệu-23 triệu tấn.
Theo VSA, năm 2024 sẽ là năm bản lề quan trọng của ngành thép, bởi giá thép đã ở đáy của chu kỳ giảm, nhiều khả năng thời gian tới, giá thép sẽ tiếp tục phục hồi. Nhìn xa hơn, nhu cầu thép chắc chắn sẽ tăng, đến năm 2030 mức tiêu thụ thép trung bình đạt 290-300 kg/người, tăng mạnh so với mức 240 kg/người ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là tiền đề cho chu kỳ phát triển và tăng trưởng mới của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thép được khuyến cáo chưa nên quá lạc quan mà cần chủ động tìm hiểu, theo sát diễn biến nhu cầu thị trường một cách thận trọng trước khi xu hướng này được định hình và xác lập chắc chắn trong năm 2024. Đồng thời, cần nâng cao năng lực, nguồn lực tài chính, nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi công nghệ, tập trung cho chuyển đổi xanh, sản xuất xanh để giảm phát thải các-bon.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.