Tiêu thụ thịt lợn ở Việt Nam dự báo tăng gần 30% trong 7 năm tới
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), cho thấy, trong giai đoạn 2023-2030, tiêu thụ thịt lợn tại Việt Nam vào năm 2030 sẽ tăng 28,3% so với 2023.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dẫn dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho hay, tiêu thụ thịt lợn toàn cầu dự kiến sẽ đạt 131 triệu tấn vào năm 2030, tăng 7,2% so với năm 2023. Tại Việt Nam và Hoa Kỳ, tiêu thụ thịt lợn dự kiến tăng lần lượt là 28,3% và 11,7%.
Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có mức tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sản lượng thịt lợn của Việt Nam dự kiến đạt 4 triệu tấn vào năm 2025 và 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3,1%/năm. Hiện nay, sản lượng thịt sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 95% sức tiêu thụ. Vì vậy, lĩnh vực chăn nuôi là ngành có nhiều tiềm năng, đang thu hút sự đầu tư mạnh mẽ từ cả nước ngoài và trong nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến cuối quý I, tổng đàn lợn của Việt Nam tăng 3,3%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt gần 1,3 triệu tấn (tăng 4,6%).
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang nhập khẩu thịt lợn đông lạnh. Thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 8,46 nghìn tấn, với trị giá 18,69 triệu USD, tăng 4,3% về lượng, nhưng giảm 1,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Giá nhập khẩu trung bình về Việt Nam ở mức 2.209 USD/tấn (khoảng 55.000 đồng/kg), giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2023. Thịt lợn được nhập khẩu từ 19 thị trường, trong đó Brazil chiếm 39,64% tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của cả nước; tiếp đến là Nga chiếm 32,22% và Canada chiếm 9,5%.
Nhập khẩu thịt các loại tăng mạnh đã tạo sức ép cực lớn cho ngành chăn nuôi trong nước. Mới đây, 4 hội và hiệp hội trong ngành chăn nuôi đưa ra những cảnh báo về việc nhập khẩu thịt giá siêu rẻ và hàng nhập lậu tràn về thị trường trong nước, đồng thời kiến nghị gửi Thủ tướng đề xuất bãi bỏ loạt quy định gây lãng phí và kiểm soát vấn đề thịt nhập.
So với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt trứng gia cầm, Việt Nam phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.
Cùng với đó, gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước vì sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu chính ngạch hiện nay phần lớn là thứ phẩm mà ở các nước họ ít dùng làm thực phẩm, như đầu, cổ, cánh, tim cật, lòng mề, gà đẻ và bò sữa thải loại...
Các hội và hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các ban, bộ, ngành khẩn trương xây dựng hàng rào kỹ thuật và chính sách thương mại để hạn chế thấp nhất việc nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, tăng cường các biện pháp kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và hạn chế thấp nhất số lượng cửa khẩu được phép nhập khẩu vật nuôi sống vào Việt Nam.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.