Tiêu thụ tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện: Những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ

Doanh nghiệp - Doanh nhân
10:40 AM 04/05/2022

Trong những năm gần đây, tình hình tiêu thụ tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có xu hướng tăng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, trong khi ở một số NMNĐ, lượng tro xỉ phải đưa ra bãi thải vẫn rất lớn.

Còn nhiều bất cập

Theo báo cáo của EVN, hiện nay EVN sở hữu 12 NMNĐ, với tổng công suất đạt 12.678MW, trung bình hàng năm, các NMNĐ tiêu thụ khoảng 35-40 triệu tấn than, từ đó phát sinh khoảng 7-10 triệu tấn tro xỉ. Chỉ tính năm 2021, tổng khối lượng tro xỉ phát sinh là 7,34 triệu tấn, trong đó, tổng khối lượng tiêu thụ là 6,89 triệu tấn, đạt 94% khối lượng phát sinh. Tỷ lệ tro, xỉ tiêu thụ trong năm 2021 tăng cao nhất, kể từ năm 2015, hiện tổng khối lượng tro xỉ còn lưu bãi của các NMNĐ khoảng 20 triệu tấn. 

Tiêu thụ tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện: Những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ - Ảnh 1.

Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh)

Có thể nhận thấy, tỷ lệ tiêu thụ tro, xỉ tại các khu vực tăng dần theo từng năm, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Bắc, từ Thanh Hóa trở ra, còn khu vực phía Nam, từ Nghệ An trở vào Trà Vinh, khối lượng tiêu thụ có tăng nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của EVN. 

Đáng chú ý là các NMNĐ Vĩnh Tân 2 và NMNĐ Vĩnh Tân 4 thuộc tỉnh Bình Thuận, tỷ lệ tiêu thụ tro xỉ trung bình hàng năm chỉ đạt khoảng 30-50% tổng khối lượng phát sinh. Tính trung bình hàng năm, 2 nhà máy của EVN tại Trung tâm điện lực (TTĐL) Vĩnh Tân tiêu thụ khoảng 9,57 triệu tấn than và phát sinh khoảng 1,86 triệu tấn tro xỉ, trong đó, khối lượng tro xỉ phát sinh hàng năm tại Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chiếm 80%, nhiệt địện Vĩnh Tân 4 chiếm 20%. Tỷ lệ tiêu thụ tro xỉ tại nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã tăng dần nhưng vẫn ở mức thấp 57%, nhiệt điện Vĩnh Tân 4, trong năm 2021 chỉ đạt khoảng 28% khối lượng phát sinh. Do vậy, khối lượng tro xỉ phải đưa ra bãi thải của 2 nhà máy vẫn còn rất nhiều. Trong báo cáo của EVN đã đề cập tới những khó khăn trong việc tiêu thụ tro xỉ, đó là:

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đã tương đối đầy đủ nhưng đối với việc đưa tro xỉ vào công trình đường giao thông còn thiếu các định mức, đơn giá, hướng dẫn thi công, nghiệm thu công trình... cần phải hoàn thiện, chưa đưa vào áp dụng được ngay theo đề xuất của EVN với Bộ GTVT.

Các phương tiện vận chuyển tro xỉ chủ yếu bằng xe bồn, khối lượng vận chuyển được ít, cước phí cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, gây ô nhiễm môi trường. Tro xỉ được vận chuyển và tiếp nhận qua cảng tổng hợp thì chi phí cao, bị giới hạn do đây là cảng tổng hợp, không chỉ xuất nhập riêng tro xỉ mà còn vận chuyển, tiếp nhận rất nhiều hàng hóa hóa, do đó để thực hiện vận chuyển qua cảng nội bộ nhà máy cần thêm thời gian hoàn thiện, nâng cấp.

Về nguyên tắc tài chính, tro xỉ không phải là chất thải thì phải theo dõi, đánh giá và quản lý theo quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính, hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp. Một số nhà máy đã bán tro xỉ và có doanh thu nhưng các NMNĐ và TTĐL Vĩnh Tân phải hỗ trợ thêm chi phí, khó giải trình với các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu xử lý toàn bộ chi phí tro xỉ vào giá điện thì sẽ phát sinh nhiều chi phí trong thời gian tới.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có nhiều văn bản báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiêu thụ tro xỉ tới Ủy ban khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội, các Bộ, ngành và UBND tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận nhưng tình hình tiêu thụ tro xỉ vẫn chưa có cải thiện nhiều.

Giải pháp và kiến nghị

Trước tình hình trên, nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ số lượng tro xỉ đang lưu trữ tại các bãi thải xỉ, ngày 6/11/2020, Bộ Xây dựng chủ trì, tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phát triển VLXD không nung và Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao, đã đưa ra số liệu: Năm 2020, với sản lượng gạch xây dựng khoảng 33 tỷ viên, nếu chỉ sản xuất gạch đất sét nung thì phải tiêu tốn 50 triệu m3 đất sét (tương đương 2.500 ha đất khai thác ở ở độ sâu 2m, 5 triệu tấn than và thải ra môi trường 19 triệu tấn CO2), gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an ninh lương thực do quá trình sản xuất gạch nung làm mất đất cho sản xuất nông nghiệp. 

Trong khi đó, mỗi năm, các nhà máy nhiệt điện EVN phát sinh khoảng 10 triệu tấn tro xỉ, nếu toàn bộ lượng tro xỉ này có thể sử dụng để sản xuất gạch không nung, với kích thước tiêu chuẩn là 220x110x60 (tương đương mỗi viên gạch có khối lượng khoảng 1-2kg) thì có thể cung cấp ra thị trường khoảng 500 triệu- 1 tỷ viên/năm (đáp ứng khoáng 1,5-3% nhu cầu sản lượng gạch xây dựng hàng năm. Như vậy, có thể thấy rằng khối lượng tro xỉ nhiệt điện phát sinh vừa có thể đóng góp một phần vào nhu cầu sản xuất gạch cung cấp cho các ngành xây dựng hàng năm, vừa phần nào giải quyết được các vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo lãnh đạo EVN, nhu cầu sử dụng rất lớn nhưng thực tế tiêu thụ không được nhiều như kỳ vọng, do thị trường tại địa phương không lớn, thói quen sử dụng vật liệu xây không nung của người dân địa phương chưa thay đổi và giá cả vật liệu xây không nung chưa có ưu thế cạnh tranh với các loại vật liệu xây dựng truyền thống. 

Tính đến hết năm 2018, số lượng sản xuất gạch không nung là khoảng 2.500 cơ sở, với công suất thiết kế khoảng 12, 6 tỷ viên gạch quy chuẩn/năm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, do khó khăn về thị trường nên chỉ còn khoảng 1.600 cơ sở, với công suất thiết kế là 10,2 tỷ viên gạch/năm và sản lượng sản xuất chủ đạt 45%-50% công suất thiết kế.

photo-1651633291780

Gạch sản xuất từ tro xỉ của Công ty Vật liệu xanh Duyên Hải-DGM

Hiện nay, các nhà máy của EVN đã thực hiện kiểm soát chặt chất lượng tro xỉ phát sinh, đảm bảo đáp ứng các TCVN để sử dụng làm vật liệu san lấp hoặc nền đường ô tô. Tất cả các nhà máy nhiệt điện của EVN đều có Giấy chứng nhận chất lượng tro xỉ đạt TCVN để xử dụng làm vật liệu xây dựng (VLXD), vật liệu không nung (VLKN), phụ gia, vật liệu san lấp, vật liệu làm nền đường... đáp ứng các quy định về môi trường và được coi là vật liệu xây dựng thông thường. Theo Nghị định số 8/2022 và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT thì tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than được đưa vào danh mục chất thải rắn công nghiệp thông thường, nếu được hợp chuẩn, hợp quy thì là hàng hóa. 

Thực tế, tro xỉ các nhà máy đã được sử dụng làm vật liệu san lấp ở nhiều địa phương, như tỉnh Quảng Ninh, đã đem lại hiệu quả lớn cho cả địa phương và doanh nghiệp. Nhu cầu san lấp tại Bình Thuận, Ninh Thuận củng rất cao nhưng hiện nay khối lượng tro xỉ được đưa đi san lấp vẫn không đáng kể.

Ngoài ra, nhu cầu vật liệu làm nền đường cho dự án đường cao tốc Bắc- Nam rất lớn, riêng giai đoạn 1 của dự án, từ nay đến năm 2024, tổng nhu cầu vật liệu san lấp khoảng 50 triệu m3. Tính đến nay, các đơn vị mới bố trí được 35 triệu m3, còn thiếu 13 triệu m3. Đối với các dự án đi qua địa phận tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, còn thiếu 5,3 triệu m3, Bộ GTVT đã có văn bản số 7020/BGTVT-KHCN ngày 19/7/2021, chỉ đạo các Ban QLDA gần các NMNĐ nghiên cứu, lựa chọn các hạng mục công trình phù hợp để sử dụng tro, xỉ nhưng đến nay, chưa có dự án nào sử dụng tro xỉ làm vật liệu!?

Vì vậy, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, sớm có giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc tiêu thụ tro xỉ ở các NMNĐ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị: Để xử lý tro xỉ ổn định trong dài hạn, việc cần thiết là tìm được các phương án xuất tro xỉ mới, các thị trường tiêu thụ tro xỉ mới, bên cạnh các thị trường đã và đang khai thác hiện nay, như đưa vào các công trình giao thông, xuất khẩu nước ngoài. 

Lãnh đạo EVN đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để có quy định đưa chi phí xử lý tro xỉ hạch toán vào gía thành sản xuất kinh doanh điện của các nhà máy....sẽ tạo ra bước đột phá, góp phần xử lý kịp thời, có hiệu quả lượng tro xỉ rất lớn đang lưu bãi ở một số NMNĐ thuộc EVN.

Minh Yến
Ý kiến của bạn