Tiêu thụ xi măng tháng 9 giảm 15% so với cùng kỳ năm 2021

Thị trường
08:29 AM 12/10/2022

Theo Vụ Vật liệu xây dựng, trong tháng 9, tiêu thụ sản phẩm xi măng chỉ đạt khoảng 7,6 triệu tấn. Con số này giảm khoảng 1,26 triệu tấn so với tháng liền kề trước đó và giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 5,4 triệu tấn (Vicem tiêu thụ khoảng 1,5 triệu tấn); xuất khẩu ước đạt khoảng 2,2 triệu tấn. Tính chung 9 tháng năm 2022, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng chỉ đạt khoảng 72,93 triệu tấn, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Thực tế thị trường tiêu thụ sản phẩm xi măng cho thấy, trong khi tiêu thụ trong nước khoảng 47,31 triệu tấn, tăng 5% cùng kỳ năm 2021, nhưng xuất khẩu sản phẩm xi măng giảm mạnh, khoảng 28% so với cùng kỳ năm 2021 (Vicem tiêu thụ khoảng 15,9 triệu tấn); xuất khẩu ước đạt khoảng 24,71 triệu tấn.

Tiêu thụ xi măng tháng 9 giảm 15% so với cùng kỳ năm 2021 - Ảnh 1.

Tiêu thụ sản phẩm xi măng trong tháng 9/2022 chỉ đạt khoảng 7,6 triệu tấn. Ảnh minh họa.

Theo Vụ Vật liệu xây dựng, tồn kho cả nước 9 tháng 2022 khoảng 5,9 triệu tấn tương đương khoảng 25 đến 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clanhke. Trong tháng 9, giá bán xi măng tương vẫn duy trì ở mức tương đương tháng 8, xuất khẩu giảm mạnh.

Các nhà máy xi măng đang rất khó khăn trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào cao, đặc biệt là giá than, chiếm trên 60% giá thành sản xuất, buộc các nhà máy phải điều chỉnh kế hoạch, sản lượng sản xuất.

Theo Chứng khoán Mirae Asset nhận định, các DN xi măng của Việt Nam tiếp tục chịu áp lực từ thị trường xuất khẩu và suy giảm nhu cầu bất động sản. Cụ thể, hơn 55% sản lượng tiêu thụ xi măng của Việt Nam phụ thuộc vào ngành bất động sản. Do đó, việc thị trường bất động sản gặp khó khăn sẽ gây áp lực mạnh lên sản lượng và lợi nhuận của các doanh nghiệp xi măng trong năm nay.

Các công ty xi măng chuyên xuất khẩu như Vissai Ninh Bình, Hoàng Mai, Xuân Trường… sẽ dồn lực vào thị trường trong nước và tạo ra áp lực lớn cho các công ty xi măng phụ thuộc chính vào thị trường nội địa như Xi măng Hà Tiên, Fico hay Holcim.  Bên cạnh đó, hàng tồn kho đang là nỗi lo lớn của không ít DN xi măng hiện nay và là thách thức lớn đối với ngành trong những tháng cuối năm 2022.

Mặc dù nguồn cung xi măng trong nước đang dư thừa nhưng từ nay đến cuối năm 2022 sẽ có thêm 3 dây chuyền xi măng với tổng công suất gần 10 triệu tấn/năm đi vào hoạt động, nâng tổng công suất toàn ngành lên tới 117 triệu tấn/năm. Điều này sẽ khiến ngành xi măng ở trạng thái dư cung kéo dài nếu xuất khẩu tiếp tục khó khăn và thị trường nội địa không khởi sắc.

Về phần xuất khẩu, các chuyên gia trên lĩnh vực vật liệu xây dựng cho rằng, hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sản phẩm xi măng lớn, chiếm khoảng 50% sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam. Trong bối cảnh quốc gia này vẫn hạn chế mở cửa để chống dịch Covid-19 thì việc xuất khẩu sản phẩm xi măng được dự báo sẽ còn gặp khó khăn.

Theo số liệu do Hiệp hội Xi măng thế giới (WCA), sản lượng xi măng toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2022 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 1,9 tỷ tấn. WCA cho biết, sự sụt giảm toàn cầu là do khối lượng xi măng sản xuất tại Trung Quốc giảm 15% xuống 977 triệu tấn. Như vậy, đây là sự sụt giảm sản lượng xi măng lớn nhất trong vòng hơn 20 năm qua của Trung Quốc.

Với việc sản lượng xi măng đi xuống, điều này chứng tỏ cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc đang ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành công nghiệp khác vốn dựa lĩnh vực bất động sản để phát triển.

Trước đó, với sự bùng nổ xây dựng ở Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã được hưởng lợi nhờ bán xi măng cho các công trình lớn này. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng bất động sản và đại dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động kinh doanh của nhóm ngành này.

Cụ thể, doanh số bán nhà tại Trung Quốc liên tục sụt giảm kể từ tháng 7 năm 2021. Trong 7 tháng đầu năm 2022, doanh số bán nhà tại quốc gia này chỉ đạt 900 tỷ nhân dân tệ (khoảng 129 tỷ USD), thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.

Quang Dũng (T/h)
Ý kiến của bạn